Chủ tịch Hồ Chí Minh là người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp, từ ngày ra đi tìm đường cứu nước và trở thành nhà hoạt động cách mạng kiên cường, bền bỉ cho đến hơi thở cuối cùng, đưa đất nước và dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Với mục tiêu: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà rồng, trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình cứu nước.
Suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi qua 4 châu lục, 3 đại dương, đặt chân lên gần 30 nước. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng.
Nhân kỷ niệm 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2020), Thư viện tỉnh Đồng Tháp trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Đường Bác Hồ đi cứu nước” do Trình Quang Phú tuyển chọn và biên soạn, nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2004.
Sách được trình bày dưới hình thức các bài viết, gồm 384 trang. Mở đầu là bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với tên gọi “Hành trang ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ”. Ở đó, người đọc sẽ được tìm hiểu thêm rằng, hành trang tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nuôi dưỡng từ chính gia đình, mà sự ảnh hưởng trực tiếp từ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Người.
Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Nguyễn Ái Quốc được đọc Luận cương của V.I Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa:
“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin”
(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)
Trong quyển sách “Đường Bác Hồ đi cứu nước” còn có nhiều bài viết như “Hoài bão lớn – khát vọng cháy bỏng”, “Lời phát biểu tại đại hội Tua”, “Duyên nợ lịch sử”, “Đến Tổ quốc Lênin”... giúp độc giả hình dung đầy đủ hơn từng bước phát triển tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh từ tuổi niên thiếu, qua quá trình khám phá thế giới, sự tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lênin và quá trình nhén nhóm, đào tạo tổ chức lực lượng cách mạng, con đường cứu nước giành độc lập và tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Đọc quyển sách, chúng ta còn biết được nhiều tình huống éo le Bác đã phải trải qua, cách Bác nhìn nhận và xử lý để đạt mục đích mà Người đã suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng và của dân tộc.
Thư viện tỉnh Đồng Tháp thân mời các bạn tìm đọc.
Phòng đọc: KCVV07.4095
Phòng mượn: MDVV07.827
Thanh Duyên