Về chiến thuật - Tôn Tử định ra mấy điểm sau đây:
1 - "Về việc quân, không thể đường đường chính chính được mà bao giờ cũng phải áp dụng chiến thuật lừa dối".
Vẫn biết dụng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu dân, cứu nước. Nhưng muốn thắng quân địch phải bày mưu kế làm sao lừa được quân địch vào cạm bẫy, nên không thể không dùng chiến thuật giả dối được. Chẳng những giả dối đối với quân địch mà ngay với binh sĩ của mình cũng phải giả dối nữa. Đối với binh sĩ chỉ buộc họ phải làm theo mệnh lệnh, không nên cho họ biết nhiều, sợ lộ cơ mưu. Chiến tranh chỉ là thủ đoạn để đạt mục đích chính trị, nên dù phải dùng đến kế giả trá đến thế nào cũng không từ, chỉ cốt sao thắng được địch quân để bảo vệ đất nước là được.
2 - "Muốn giả trá, thì dù mình có tài năng cũng làm như mình không có tài năng gì".
Làm như thế để địch không lưu tâm đến mình, cho mình là yếu, không cần phải chuẩn bị nhiều rồi mình sẽ thừa cơ đánh úp. Ngày nay các nước chuẩn bị chiến tranh đều hết sức giữ bí mật, đợi chiến tranh bùng nổ mới xuất toàn lực ra để quyết thắng.
3 - "Thời kỳ tiến đánh quân địch đã đến nơi nhưng làm thế nào để cho quân địch tưởng là chưa đánh vội". Quân địch thấy mình không có ý đánh, không kịp chuẩn bị. Mình đem quân tới đánh, tất địch phải thua.
4 - "Lấy lợi để dụ địch".
Như thế có nghĩa là mình- bỏ mặt không quan trọng để chiếm được mặt khác quan trọng hơn, hoặc hy sinh một bộ đội nhỏ để cho bộ đội khác được thắng lợi lớn. Ngoài ra, còn dùng kim tiền hay tước vị để dụ quân địch đầu hàng.
5 - "Dùng mọi phương pháp để làm rối loạn nước địch hay bộ đội của nước địch rồi thừa cơ hưởng lợi".
6 - "Thấy quân bị của địch đã đầy đủ, ta phải thiết thực chuẩn bị để đề phòng".
7 - "Thấy quân địch mạnh, ta phải tạm lánh không cần đương đầu vội để đợi thời cơ".
8 - "Khiêu khích cho địch nổi giận, để làm rối loạn lý tính của địch".
Lý tính đã rối loạn, địch sẽ hành động thất thố để cho mình dễ thừa cơ tiến đánh. Nhưng phải đợi cho địch tức đến nỗi phát khóc, rồi mình sẽ hành động mới có hiệu quả.
9 - "Đối với địch nên tỏ thái độ khiêm tốn, nhã nhặn. Thấy vậy, địch sẽ lên mặt kiêu căng".
Địch kiêu căng tưởng là giỏi không thiết gì chỉnh bị quân ngũ tức là có lợi cho mình.
10 - "Quân địch đóng yên ổn ở một chỗ nào, mình đem quân đến đánh úp, hoặc uy hiếp mặt sau, hoặc phá hoại đường lối giao thông khiến cho quân địch bối rối, ứng phó nhọc mệt".
11 - "Tìm phương pháp ly gián nội bộ của quân địch hoặc ly gián nước địch với các nước khác".
Trong nội bộ của địch, tướng tá và binh sĩ đã bất hoà với nhau, lực lượng sẽ yếu đi hoặc các nước đối với nước địch không có thiện cảm, nước địch sẽ bị cô lập.
12 - "Tiến đánh chỗ địch không phòng bị hay thấy địch không để ý, mình tiến đánh một cách bất ngờ".
Đánh lối như thế, bao giờ mình cũng giữ được địa vị chủ động làm cho địch không kịp ứng phó, mình sẽ chiếm được nhiều thắng lợi.
Để kết luận, Tôn Tử nói:
"Các chiến thuật nói trên đều là những bí quyết của các nhà quân sự. Nhưng trong việc quân, những việc bất trắc thực là thiên biến vạn hoá và thường xảy ra luôn luôn. Phải biết tuỳ cơ ứng biến, không thể biết trước mà bảo được. Chiến thuật cốt yếu để được thắng lợi là phải áp dụng thuật giả trá và tuyệt đối bí mật".
Q.Th.
Báo Cứu quốc, số 260, ngày 7-6-1946.
(Sđd. Tập 4, tr.578-581)
(Trích "Bác Hồ với ngành quốc phòng". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KEVV17.2595, Phòng mượn: MEVV17.5654-5655)