Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcNhìn ra thư viện bạnSách và văn hóa đọc trong thời đại bùng nồ thông tin

Sách và văn hóa đọc trong thời đại bùng nồ thông tin

Cập nhật ngày 05/12/2019
Trong xã hội loài người từ xưa đến nay, nền văn hoá  nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách là một sản phẩm diệu kỳ. 

Trong xã hội loài người từ xưa đến nay, nền văn hoá  nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách là một sản phẩm diệu kỳ. Sách là là phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này cho thế hệ khác. Nó không những có thể hợp nhất không gian mà còn hợp nhất được cả thời gian: có thể mở một cuốn sách ra để biết được điều người khác đã nói, đã làm cách ta hàng vạn dặm, hay biết được cuộc sống và sinh hoạt của những người đã sống cách ta nhiều thế kỷ trước đây. Thậm chí, bằng sự diệu kỳ của chữ viết có quy định phát âm, chúng ta có thể bắt chước chính xác những âm tiết con người phát ra như họ nói ngày xưa. Nói gọn lại, trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, tri thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới.

Ngược dòng thời gian của lịch sử, từ khi chữ viết ra đời thì sách cũng dần dần xuất hiện. Tuy nhiên ban đầu, những cuốn sách cổ xưa của loài người được làm từ đất nung, vỏ cây, da muông thú, thẻ ngà, thẻ tre v.v…. Mãi đến khi loài người phát minh ra giấy, thì sách dần dần mới được viết rồi in trên giấy. Và từ đó, nó đã trải qua hàng ngàn năm phát triển để có được những cuốn sách đẹp đẽ như ngày nay.

Trong nửa sau của thế kỷ XX sang đến thế kỷ 21, cùng với sự phát triển như vũ bão của KH&CN-nhất là sự bùng nổ thông tin-với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đặc biệt là sự xuất hiện của máy tính điện tử và mạng Internet, của điện thoại di động...(với hình thức đọc trên mạng ngày càng phổ biến), đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hoá hay không?

Mặc dù vài chục năm trở lại đây, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của KH&KT-nhất là kỹ thuật in ấn-đã cho phép người đọc rộng rãi trên thế giới có được những cuốn sách hay, sách đẹp, chất lượng tốt. Nhưng ngày nay, người ta cũng đang nói tới một cuộc cách mạng về sách (dưới dạng sách-báo điện tử; sách báo onlines..). Có thể sẽ là một triển vọng tốt và biết đâu nó cũng sẽ hết sức thuận lợi cho người đọc trong tương lai ? Chẳng hạn ở nhiều nước trên thế giới, người đọc có thể ngồi tại nhà hay tại công sở, chỉ cần vào mạng INTERNET là có thể tìm đọc những cuốn sách- tờ báo mình muốn, không cần phải tới thư viện. Song chính điều đó cũng hàm chứa và tiềm ẩn một nguy cơ làm thay đổi hẳn diện mạo của cuốn sách truyền thống.

Vấn đề chính có lẽ là ở chỗ: những hạn chế trong khuôn khổ vật chất tạo nên bản thân cuốn sách truyền thống. Hiểu một cách thuần tuý, sách chỉ là những tờ giấy, trên đó bằng cách này hay cách khác, thông qua ngôn ngữ được coi là những hệ thống tín hiệu, những ý nghĩ, thông tin được truyền đạt cho một đối tượng và đối tượng ấy sẽ nhận thức được vấn đề. Còn khi truyền một tin tức hay một thông báo bằng hình ảnh, âm thanh thì phương tiện truyền tin sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến bản thân nội dung thông báo đó, tuỳ thuộc vào các phẩm chất ưu việt của phương tiện nghe nhìn ấy. Trong trường hợp này thì cuốn sách dẫu hay và đẹp đến mấy cũng không thể sánh nổi với màn hình tivi hay băng video, hoặc trang báo điện tử... về sự hấp dẫn. Thêm vào đó, các phương tịên nghe nhìn (tivi, video, đài phát thanh) ít làm tốn sức óc, thời gian hơn cho mọi người so với việc đọc sách báo. Nói chung đọc sách thường phải tập trung tư tưởng, trí óc, còn thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn, con người vẫn có thể kết hợp với  những việc khác theo một hình thức, mức độ nào đó. Ví dụ: Làm việc hay ăn uống, hai việc chính của con người, vẫn có thể kết hợp xem tivi hoặc nghe nhạc, nghe đài. Rõ ràng là so với việc đọc sách báo, phương tiện nghe nhìn có những lợi thế hơn và phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại, khi mà con người hiện nay, quĩ thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí sau những giờ lao động, làm việc căng thẳng còn  quá ít ỏi.

 Nói như vậy không có nghĩa là sách đang đánh mất dần vị trí của nó trong đời sống xã hội. Nói một cách công bằng, sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Bởi ngoài đặc tính vật chất, giá trị văn hoá, sách còn có những đặc tính tinh thần. Nếu những hoạ tiết, trang trí ngoài bìa cuốn sách thu hút tâm trí, sự tò mò của người đời bao nhiêu, thì cốt lõi nội dung tư tưởng, những kiến thức cuốn sách chứa đựng bên trong mới đích thực là nguồn nam châm mạnh mẽ thu hút tâm trí của người đọc bấy nhiêu.

Chúng ta thừa nhận rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, sách và ấn phẩm báo chí thì nhiều, nhưng quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước tình hình đó, nhiều tờ báo đã tìm cách hạ giá bán để báo có thể đến tay bà con nghèo. Nhưng đối với sách thì còn khó khăn hơn vì giá giấy, công in tăng, mà sách lại in ít bản nên giá sách khó có thể hạ. Từ đó dẫn đến hệ quả dễ thấy là thị trường sách bị thu hẹp chưa từng có. Cách đây 15-20 năm, thông thường một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn hay còn được in với số lượng từ 2000-3000 cuốn, nay thì trừ những cuốn sách thuộc dang sách “Best sale” (ví dụ Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi, Cánh đồng bất tận...), được in với số lượng khá lớn), còn hầu hết đều được in với số lượng trên, dưới 1000 cuốn. Với các tập thơ thì số lượng in càng ở mức khiêm tốn hơn: chỉ chừng 500 đến 800 cuốn. Chỉ số xuất bản đó không thể xem là bình thường với một đất nước có hơn 90 triệu dân, có truyền thống ham học và ham đọc sách như nước ta. Vậy thì có phải văn hoá đọc trong thời đại bùng nổ thông tin đang đi xuống?

Tôi có mấy suy nghĩ về những nguyên nhân trước mắt làm suy giảm sự đọc hiện nay ở nước ta như sau:

- Một là, mặc dù lượng sách báo xuất bản ngày một nhiều nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của bà con. Vắng sách trên giá các thư viện và cửa hàng sách - nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa-không hoàn toàn do thiếu người cần. Nhiều sách báo ít số lượng phát hành (như đã nêu ở trên), thậm chí có khi bán hết ngay ở thành phố, thị xã. Mặt khác, sự không đáp ứng được một phần quan trọng còn là do sách hay, sách tốt, sách chất lượng chưa nhiều; đặc biệt còn do giá cả quá cao (so với túi tiền eo hẹp của số đông độc giả). Là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư (tức là đội ngũ trí thức) ở nhiều vùng nông thôn và ở miền núi xa xôi, nhiều người vẫn nằm mơ sách báo!

- Hai là, từ ngày “văn hóa nghe nhìn”; internet và điện thoại di động phát triển mạnh (về đến tận làng bản, thôn xóm, đến tận miền núi xa xôi); nhiều người từ già đến trẻ ngại đọc sách báo (trong đó phải kể đến số đông lớp trẻ, các tầng lớp học sinh, sinh viên. Có một thực tế là, ngoài thời gian học tập, họ cũng dành khá nhiều thì giờ nhàn dỗi cho các trò trơi Game, hoặc chát, chít trên mạng Internet - với những chiếc di dộng trên tay?). Để rồi, ban ngày bận biết bao công chuyện, tối đến về nhà, sau khi cơm nước xong là cả nhà lại dán mắt vào xem các chương trình tivi; hoặc vào mạng internet; vào face book... rồi đi ngủ. Vậy còn thời giờ đâu cho việc đọc sách báo cơ chứ. Chẳng cứ gì ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở một số vùng nông thôn quê tôi (chỉ cách Hà Nội hơn ba chục cây số), khi được hỏi về “văn hóa đọc”, vẫn còn có những người quan niệm thế này: "Xưa kia thời bao cấp chỉ có cái loa, cái đài bé tí tẹo để nghe thời sự, nghe ca nhạc. Giờ đây có cả ti vi màu, có cả mạng internet... để nhòm tận mắt toàn thế giới rồi, vẫn còn chưa đủ sao?". Xin thưa lại rằng: Bản thân các phương tiện nghe nhìn hiện đại ấy không dành cái việc đọc cho con người, nhưng nó lại làm cho người ta “lười cái việc đọc”!

- Ba là: Việc tuyên truyền, giới thiệu sách lâu nay cũng đã làm, song dường như chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thường thì nhiều nhà xuất bản vẫn có những danh mục sách gửi cho các thư viện, các cơ quan thông tin để chào hàng và giới thiệu sản phẩm của mình. Rồi có cả những bài viết "Giới thiệu sách mới" trên các báo Trung ương và báo địa phương, gần đây lại thấy cả chuyên mục "Mỗi ngày một cuốn sách" trên Đài Truyền hình Việt Nam (Chương trình buổi sáng- buổi tối). Đặc biệt ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh gần đây đã có hẳn những “phố sách- đường sách” rất hoành tráng. Thậm chí ở một số thư viện lớn thỉnh thoảng còn mời các nhà văn, nhà khoa học có tác phẩm vừa in về giới thiệu cho độc giả. Hay bài bản hơn thì còn mở các triển lãm sách mới, triển lãm sách theo các chuyên đề để thu hút bạn đọc. Vậy mà sách vẫn chưa có sức hút mạnh đối với người đọc. Có lẽ việc quảng bá sách của chúng ta làm vẫn chưa thật đồng bộ, cách làm chưa mấy hiệu quả, có những lúc còn mang tính hình thức, khô cứng. Việc giới thiệu, nhất là phê bình sách, lắm khi còn chung chung, đại khái, "khen không ra khen, chê không ra chê", không định hướng được cho người đọc trong việc chọn lựa sách hay, sách tốt trước "rừng sách" như hiện nay. Tuyên truyền sách trên TiVi – cũng là một lợi thế để giới thiệu sách, phát triển văn hoá đọc trong công chúng - thì khá tốn kém (tôi được biết là mỗi lần tuyên truyền 1 cuốn sách trên Đài Truyền hình Trung ương tốn khoảng từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng).

Vậy thì cần làm gì để củng cố và phát triển văn hoá đọc ở nước ta, nhằm đưa được nhiều sách báo tới tay bạn đọc- nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ? Tôi xin có mấy suy nghĩ như sau:

1.- Đề nghị Bộ VHTTDL; các Bộ, Ban, ngành chức năng, các địa phương trong cả nước tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" và Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; đồng thời xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho ngành thư viện Việt Nam (trong đó có Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật), nhằm từng bước xây dựng và phát triển một xã hội học tập, xây dựng môi trường văn hoá đọc trong các tầng lớp nhân dân.

2.- Đối với hoạt động Xuất bản:

  - Cần có chiến lược nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, để có kế hoạch xuất bản những cuốn sách đáp ứng tốt nhu cầu; thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt chú ý đến chất lượng nội dung của xuất bản phẩm. Hạn chế tối đa xuất bản những cuốn sách vô bổ, nội dung nhạt nhẽo, vừa tốn tiền của độc giả, lại vừa làm mất thì giờ của họ.

-  Tiếp tục nghiên cứu để sớm đề ra phương án giảm giá sách, sao cho giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng thanh toán của đại đa số người lao động và trí thức ở nước ta. Nói phải giảm giá sách, bởi lẽ hiện nay mỗi cuốn sách thường in với số lượng thấp (như trên đã nói), nên giá thành khó có thể hạ, nhưng điều chủ yếu là ở một số nhà xuất bản, nhà in do chưa quản lý tốt khâu in ấn, nên một số "đầu nậu" đã lén lút in nối bản, rồi phát hành với chiết khấu khá cao (có trường hợp lên tới 50%), làm ảnh hưởng đến thị trường phát hành sách trong cả nước.

- Việc quảng bá sách (tuyên truyền giới thiệu sách) cần được tăng cường và thường xuyên hơn. Là một sản phẩm văn hoá-cũng là hàng hoá-song có cảm giác là chi phí dành cho quảng bá sách còn khiêm tốn, còn ít hơn rất nhiều so với việc quáng bá các sản phẩm khác. Những bài giới thiệu sách trên báo còn chưa nhiều, lại tản mạn, chưa thành một chiến lược kinh doanh như nhiều hàng hoá khác. Theo tôi nghĩ, trên Tivi đã có mục điểm báo hàng ngày, thì cũng nên có mục điểm sách hàng ngày, hàng tuần và có thể miễn phí hoặc ưu đãi giảm giá phát tin…. Ngoài ra, các nhà xuất bản trước khi phát hành cũng nên có kế hoạch quảng bá sách rộng rãi hơn, đa chiều hơn (ưu tiên quảng bá sách trên mạng internet) và thiết thực hơn. Có như thế mới mong thu hút sự chú ý và quan tâm hơn của người đọc.

Bên cạnh đó ngành xuất bản cần phối hợp với ngành thư viện và các ban, ngành TW để tổ chức tốt Ngày sách Việt Nam (đã được Chính phủ ta phê duyệt tại Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam), nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.

3.- Đối với hoạt động Phát hành sách:   

Hiện nay nước ta có khoảng 125 công ty PHS của Nhà nước và hơn 10.000 đơn vị (gồm cửa hàng, đại lý, nhà sách, trung tâm, công ty cổ phần, công ty TNHH). Xem thế đủ thấy hệ thống PHS của Nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện nước ta đang bị teo lại trước sự cạnh tranh quyết liệt của hệ thống PHS khác. Vì thế việc đổi mới phương thức hoạt động, trong đó xác định tỷ lệ chiết khấu hợp lý để tạo điều kiện cho các thư viện khai thác hiệu quả nguồn sách báo phục vụ đối tượng cả nước, đối với phát hành sách Nhà nước là một yêu cầu tất yếu, khách quan. Có như vậy mới cạnh tranh lành mạnh với các cơ sở phát hành sách thuộc các thành phần kinh tế khác.

4.- Đối với hoạt động Thư viện:          

Ai cũng biết rằng thư viện là đầu ra của xuất bản, là nơi  tổ chức đọc sách báo một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu sách đưa về đến thư viện, mà vẫn nằm nguyên trên giá, không phát huy được hiệu quả, thì quả là  lãng phí. Vì vậy, để sách đến được với người đọc ngày càng nhiều, ngành thư viện cần phải:

- Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền giới thiệu sách; giúp ngành xuất bản điều tra thị hiếu đọc; định hướng văn hoá đọc cho xã hội.

- Tăng cường công tác bổ sung sách, báo, xây dựng kho sách phong phú với phương châm bám sát nhu cầu bạn đọc, bổ sung kịp thời sách báo hay và có tác dụng tốt với việc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm thư viện tỉnh chỉ đủ kinh phí mua trên/dưới 5.000 bản sách/năm (nếu mỗi tên sách mua 2 bản thì mới được khoảng 2.500 tên sách/ năm), xấp xỉ 17 % số sách xuất bản trong năm (bình quân mỗi năm nước ta xuất bản trên 15.000 tên sách ). Theo tinh thần Chỉ thị 42/CT-TW, hy vọng Nhà nước sẽ tăng kinh phí cho việc bổ sung sách báo trong các thư viện, hy vọng sẽ đạt trên 25 % tổng số sách được in ra hàng năm.

- Về hoạt động chuyên môn, cần đổi mới phương thức phục vụ trong các thư viện: từ phục vụ kho kín sang phục vụ kho mở, kho tự chọn, làm cho bạn đọc có điều kiện tiếp cận nhanh kho sách báo, tài liệu trong các thư viện. Ngoài ra cũng cần tổ chức tốt việc hướng dẫn bạn đọc, ứng dụng mạnh mẽ CNTT phục vụ cho việc đọc và tra cứu sách báo được nhanh chóng, thuận tiện. Tăng cường luân chuyển sách báo xuống cơ sở, đa dạng hoá các loại hình thư viện như "Điểm bưu điện -Văn hoá xã", Tủ sách pháp luật, Tủ sách đồn biên phòng, Thư viện trường học v.v….

Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách để tăng cường đầu tư sách báo, phát triển văn hoá đọc cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, thiểu số theo Chương trình phát triển bền vững về văn hoá. (được biết hiện tại Chương trình mục tiêu về văn hóa của Chính phủ đã kết thúc từ năm 2015. Đây sẽ là khó khăn cho ngành văn hóa trong việc “chấn hưng văn hóa đọc” nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi...).

Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói: "Không có gì thay thế được văn hóa đọc". Cố Thủ tướng còn nhiều lần nhắc nhở các cán bộ có trách nhiệm củng cố hệ thống thư viện và công tác phát hành để sách, báo có thể đến tay những người đọc ít tiền. Rất mừng là gần 2 thập kỷ trở lại đây, được sự quan tâm và đầu tư của Đảng và Chính phủ, hàng vạn tủ sách pháp luật, tủ sách " Điểm Bưu điện - văn hóa xã " và tủ sách đồn biên phòng cùng với hàng nghìn thư viện, tủ sách lớn nhỏ ở các cơ sở xã, phường, làng, thôn, ấp  văn hoá v.v.. . đã và đang từng bước phát huy tác dụng của mình - nhất là ở  các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo - làm cho ở mỗi người, ở mỗi nhà, ở mỗi địa bàn dân cư, văn hóa đọc dường như đã và đang tích cực thi đua với “văn hóa nghe nhìn” trong việc thực hiện chức năng xã hội của mình.

Cho dù mai sau, khi xã hội phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong các thư viện điện tử hay qua mạng INTERNET (như hiện nay), thì vẫn chắc chắn một điều là: sách và “văn hoá đọc” vẫn không hề mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó. Đơn giản bởi sách và văn hoá đọc đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và nó vẫn luôn là nguồn sống quí giá nhất, bền vững nhất, mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được.

Còn nếu quả thật, tivi, video và các phương tiện nghe nhìn khác, kể cả internet, iphon, ipad, điện thoại di động.... đã và đang vươn lên để đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ và thông tin, tri thức của con người, của thời đại, thì đó cũng là niềm vui không chỉ của riêng ai, của chung tất cả chúng ta. Nói hết sức thanh thản như thế để thấy rằng: Sách và “văn hoá đọc” lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn ngày hôm nay, mà chỉ là vấn đề tương hợp giữa đặc trưng các loại hình với nhu cầu thực tiễn luôn luôn biến động trong xã hội./.

Tin: Ths. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam
Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.