“Thiêng liêng hai tiếng Hoàng Sa
Dày công khai chiếm ông cha bao đời
Một quần đảo giữa trùng khơi
Mà luôn đau đáu muôn người Việt Nam”
Ngô Văn Minh
Biển đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, được cha ông chúng ta dày công khai phá, quản lý từ hàng trăm năm trước và truyền lại. Biển đảo cùng với đất liền hợp thành phạm vi chủ quyền, là máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc; là điều kiện thuận lợi để chúng ta xây dựng một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Chúng ta lại nhớ đến lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
PGS, TS. Ngô Văn Minh nhận định: “Đảo bị chiếm không có nghĩa là đảo bị mất! Đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta đã mất quần đảo Hoàng Sa và một số đảo, đá của quần đảo Trường Sa, vì một khi trong ý nghĩ mà cho rằng chúng ta đã mất bộ phận lãnh thổ này thì cũng đồng nghĩa với việc không còn quan tâm đến nó nữa. Phải nuôi dưỡng ý chí khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ! Nhìn lại lịch sử, trong gần 1000 năm Bắc thuộc người Việt không hề mất ý chí về chủ quyền đất nước, vẫn luôn đứng lên, giành quyền tự chủ, rồi giành độc lập. Điều đó cho chúng ta vững tin rằng, chắc chắn sẽ có ngày chúng ta thực hiện được sự quản lý thực sự trên bộ phận máu thịt thiêng liêng này của Tổ quốc”.
Việc nghiên cứu về biển đảo Việt Nam nói chung, về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng cũng là một cách để thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Thư viện tỉnh Đồng Tháp xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc về cuốn sách “Biển, đảo máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc” của PGS.TS Ngô Văn Minh do Nxb. Đà Nẵng phát hành năm 2017.
* Nội dung cuốn sách bao gồm các chuyên luận sau:
- Biển, đảo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
- Tầm nhìn hướng biển của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong (thế kỷ XVI-XVIII)
- Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Lý Sơn, nơi lưu giữ dấu tích Đội Hoàng Sa
- Người Quảng Nam – Đà Nẵng với chủ quyền biển đảo
- Sự quản lý liên tục của chính quyền Việt Nam cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa
- Sử liệu Trung Quốc nói gì về vùng biển phía nam của nước này?
- Tăng cường niềm tin vào sức mạnh chính nghĩa
Cuốn sách được hình thành trên cơ sở của 33 bài viết của tác giả đăng trên các báo, tạp chí, in chung trong sách trong khoảng thời gian 15 năm qua, nay được tác giả tích hợp lại, bổ sung thêm thành cuốn sách với mục đích góp phần tập hợp tư liệu và cung cấp thêm những thông tin với trọng tâm vẫn là những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo, trong đó có nội dung về người Quảng Nam – Đà Nẵng với chủ quyền biển đảo được hình thành trên cơ sở những sắc phong mới phát hiện và về sự quản lý liên tục của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đối với quần đảo Hoàng Sa được khai thác từ tài liệu lưu trữ. Hy vọng cuốn sách giúp bạn đọc hiểu sâu sắc về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Sách được phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp
- Phòng đọc tại chỗ: - KEVV17.2873
- Phòng mượn: - MEVV17.6130 - 6131
Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc!