Với hơn 300 trang sách, “Cha và con” khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Không gian mở rộng từ làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn, Nghệ An), kinh đô Huế, Bình Khê, Phan Thiết - nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn - nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng "muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp" và tìm đường xuất dương.
Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận một sự thật rằng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một nhà sĩ phu yêu nước, một người cha đã định hình cho nhân cách Hồ Chí Minh từ cách sống, cách suy nghĩ đến con đường cứu nước từ thuở Hồ Chủ tịch còn thơ. Chính sự định hình này, mà Bác Hồ trở thành một thiên tài của dân tộc, một danh nhân văn hóa của nhân loại.
Tình cảm cha con giữa cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tình cảm của người cùng lý tưởng và chí hướng hiếm có trong cuộc đời. Những lời dạy bảo đầy yêu thương mà kiên định lập trường “vì nước quên thân” của Cụ đã tiếp thêm sức mạnh cho người con trai trên con đường cứu dân, cứu nước.
Đó chính là chủ đề xuyên suốt trong quyển tiểu thuyết của tác giả Hồ Phương. Tuy là tiểu thuyết viết về một thời kỳ lịch sử còn đậm chất phong kiến, nhưng nhà văn chọn cách thể hiện sinh động, khá hiện đại, mang màu sắc điện ảnh. Song song đó, bằng cách viết rất dung dị mà trau chuốt trong từng câu văn, từng mẩu chuyện; luôn có sự kết hợp cả hai yếu tố lịch sử và kể chuyện, “Cha và con” chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc ngay từ lần đầu tiên.
Hòa cùng không khí trang nghiêm của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Đồng Tháp nói riêng hướng về Lễ giỗ lần thứ 85 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Thư viện tỉnh Đồng Tháp giới thiệu đến bạn đọc gần xa quyển sách “Cha và con” của tác giả Hồ Phương như là một món quà để tri ân người thân sinh của vị Chủ tịch nước kính yêu.
Thanh Duyên