Nước Việt Nam ta có bề dày lịch sử đáng tự hào. Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình chinh phục thiên nhiên, lao động sản xuất để xây dựng đất nước và đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Trong quá trình dựng nước, người Việt Nam ta đã phải liên tiếp đương đầu với sự xâm lăng của các thế lực bên ngoài. Độ dài thời gian và tần suất các cuộc kháng chiến, khởi nghĩa và đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam rất lớn.
Trải qua hàng ngàn năm bị các triều đại phương Bắc đô hộ, hàng trăm năm bị bọn thực dân xâm chiếm. Nhưng với ý chí kiên cường, dân tộc ta đã bền bỉ đấu tranh bảo tồn cuộc sống, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa, quyết giành lại độc lập cho dân tộc, viết nên những trang sử hào hùng, những trang sử thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của các thế hệ người Việt Nam.
Cùng ôn lại những sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thư viện tỉnh Đồng Tháp trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản Triều Nguyễn” do Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Thanh Thuận biên soạn và dịch thuật, nhà xuất bản Hà Nội phát hành năm 2019. Sách là công trình nghiên cứu do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp thực hiện.
Điều đặc biệt của tác phẩm này đó chính là ngoài những nguồn tư liệu được các nhà sử học thường xuyên sử dụng là nguồn sử liệu từ hai phía trong cuộc chiến, nguồn tư liệu chính thống của Việt Nam chủ yếu là những bộ sử do Quốc sử quán triều Nguyễn tổ chức biên soạn, thì trong tác phẩm này còn được bổ sung những tư liệu lịch sử quý giá trong Châu bản Triều Nguyễn. Nguồn thông tin trong châu bản là những văn bản được các cơ quan hay các quan lại trong thiết chế triều chính gửi lên triều đình và được người đứng đầu đọc, đánh giá hay đưa ra những quyết định liên quan đến nội dung được trình bày trong văn bản. Với hơn 300 trang, sách gồm các thông tin tư liệu và phụ lục hình ảnh được chia thành 5 chương.
Chương 1: Nguyên nhân sâu xa và lý do biện minh cho việc xâm lược vương quốc Đại Nam của Đế quốc Pháp. Phần này cung cấp đến bạn đọc thông tin: Vào thế kỷ 17 – 18, giai cấp tư sản ra đời và phát triển nhanh ở châu Âu dẫn tới sự hình thành chủ nghĩa tư bản làm thay đổi tính chất và phát lên phong trào bành trướng thuộc địa ở lục địa này.
Tại chương này, các tác giả sách đã làm rõ những vấn đề sau: Vị trí, tài nguyên của Đại Nam ở vùng Viễn Đông trong cơn thèm khát thuộc địa của giới tư sản châu Âu nói chung và tư sản Pháp nói riêng. Dưới danh nghĩa tôn giáo, thực dân Pháp không chỉ làm nhiệm vụ điều tra mà còn can thiệp vào các hoạt động chính trị, xã hội ở Việt Nam. Bên cạnh đó hoạt động của các thừa sai, chính sách cấm đạo từ Gia Long đến Tự Đức chính là lý do biện minh cho hành động xâm chiếm Đại Nam của bọn thực dân.
Chương 2: Cuộc chiến đấu chống Pháp ở Nam Kỳ (1860 - 1867). Đọc phần này người đọc sẽ biết rằng: Ngày 01/9/1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược của thực dân phương Tây ở Việt Nam, uy hiếp cửa ngõ phía Nam của kinh đô Huế, đe dọa sự tồn vong của triều đình nhà Nguyễn. Không dừng lại ở đó, chúng tiếp tục kéo quân vào Nam Kỳ với âm mưu “nội công – ngoại kích” cùng nhiều hành động ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm phân tán lực lượng quân sự và gây sức ép lên triều đình Đại Nam.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi đất nước vừa phải chịu thiên tai liên tục lại vừa chịu khổ ải của ách đô hộ. Triều đình nhà Nguyễn đã phải ban ra rất nhiều chiếu chỉ, châu điểm, châu phê nhằm đưa ra các biện pháp hỗ trợ các địa phương chống giặc. Đặc biệt là sau hòa ước Nhâm Tuất (1862) được ký kết giữa triều đình và thực dân Pháp.
Chương 3: Công việc kháng chiến chống Pháp ở Đồng Tháp. Trong quá trình đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc đã có nhiều phong trào yêu nước tiêu biểu như: Phong trào Cần Vương do các văn thân, sĩ phu yêu nước lãnh đạo, diễn ra sôi nổi trong cả nước và kéo dài hơn 10 năm từ 1885 đến 1896; các cuộc nổi dậy chống quân xâm lược ở các vùng địch chiếm đóng, tiêu biểu như: khởi nghĩa Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân… và nổi trội là cuộc kháng chiến ở phía bắc sông Tiền với Thiên hộ Võ Duy Dương và ở phía nam sông Tiền với Hùng Dõng tướng Trí Thắng nam Nguyễn Công Nhàn.
Bên cạnh đó, ở chương 4 và 5 quyển sách, quý bạn đọc cũng có cơ hội tìm hiểu về Tiểu sử một số nhân vật lãnh đạo kháng chiến chống Pháp và những người ứng nghĩa cũng như Một số châu bản triều Tự Đức về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ. Hy vọng quyển sách sẽ cung cấp những thông tin cần thiết, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm phát huy hơn nữa bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân và dân ta. Từ đó, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ra sức học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Sách hiện đang phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp hy vọng sẽ là tài liệu nghiên cứu quý giá dành cho quý bạn đọc.
Kho Địa chí: DAVL20.526 – 527
Thu Sương