Con người chúng ta được sinh ra, lớn lên và sẽ đến một ngày già đi, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên không thể thay đổi được. Bên cạnh những thay đổi về lối sống, suy nghĩ thì những thay đổi về sức khỏe ở người cao tuổi cũng là điều đáng được quan tâm. Có những cái có thể dễ nhận thấy như tóc bạc, da nhăn, lãng tai, lưng khòm..; tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được.
Và để hiểu rõ hơn về những thay đổi khi bước vào độ tuổi được xem là tuổi xế chiều, Thư viện tỉnh Đồng Tháp xin giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách “Sức khỏe, tâm tính người cao tuổi” của tác giả Nguyễn Văn Hấn, nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2018.
Sách gồm hai phần: Phần thứ nhất: Vài biểu hiện ở người cao tuổi và bảo vệ sức khỏe, chống lão hóa; Phần thứ hai: Tính tình, tâm lý và suy nghĩ của người cao tuổi.
Ở phần thứ nhất tác giả đã liệt kê hầu hết các biểu hiện và các bệnh mà người cao tuổi dễ mắc phải: Lãng tai, hay lãng quên, nói chậm - giọng trầm, khó ngủ, ít ngủ… ở mỗi tiêu đề tác giả đã đưa ra những căn cứ khoa học về biểu hiện và có những hướng dẫn, cách làm để cải thiện các triệu chứng gây khó khăn cho người cao tuổi. Ngoài ra tác giả còn lồng ghép những bài thơ, những câu chuyện thực tế giúp người đọc cảm thấy dễ hiểu và tạo sự hứng thú khi đọc sách.
Đặc biệt ở cuối phần một, từ trang 77 đến trang 85 tác giả đã có hai bài viết giải thích cặn kẽ về tầm quan trọng của sức khỏe và năm thức thể dục “trường sinh bất lão” với nhiều hướng dẫn cụ thể về cách sinh hoạt, ăn uống và tập thể dục nhằm cải thiện và có được sức khỏe tốt.
Khi về già con người đã có nhiều trải nghiệm hơn về cuộc đời, cũng chính vì vậy mà người già thường có những suy nghĩ chín chắn và biết bằng lòng với những gì mình đang có. Người già luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con cháu nhờ những kinh nghiệm sống quí báu mà họ truyền lại.
Tuy nhiên ngoài những vốn kinh nghiệm quý báu ấy thì khi bước vào giai đoạn tuổi xế chiều thì người ta sẽ có nhiều thay đổi về tính cách và suy nghĩ như muốn được quan tâm nhiều hơn, thích yên tĩnh hay chỉ muốn nhớ về những kỷ niệm một thời tuổi xuân.
Cũng chính vì thế mà ở phần hai của quyển sách cũng đưa ra hầu hết các biểu hiện về sự thay đổi về tính tình, tâm lý và suy nghĩ của người cao tuổi. Tương tự như ở phần một, nội dung ở phần này cũng là những bài viết ngắn gọn, súc tích giúp người đọc ở các độ tuổi khác hay chính những người cao tuổi dễ dàng cảm nhận và hiểu được những sự thay đổi đó là lẽ đương nhiên.
Ngoài những dẫn chứng khoa học thì trong các bài viết tác giả đã có những lập luận của các bậc hiền tài của đất nước như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh khiêm, Lê Quý Đôn… về những quan điểm sống, điều hay lẽ phải, giúp người ta hướng đến những suy nghĩ tích cực để có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Với những thay đổi chung về tâm lý của người cao tuổi ở trên dẫn đến việc một bộ phận người cao tuổi thường thay đổi tính tình. Thiết nghĩ các thành viên trong gia đình cần thông cảm, thấu hiểu để chia sẻ cùng người lớn tuổi trong nhà. Các thế hệ con cháu cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận thực tế này nhằm có những ứng xử phù hợp, và cần quan tâm, lo lắng cho các cụ nhiều hơn, thường xuyên trò chuyện và khuyến khích các cụ tập thể dục nâng cao sức khỏe thân thể lẫn tâm lý người cao tuổi. Đặc biệt là chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi, nhất là những người già cô đơn, không nơi nương tựa...
Hi vọng rằng quyển sách “Sức khỏe tâm tính người cao tuổi” sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích trong việc tìm hiểu về những thay đổi về sức khỏe, tâm tính của người cao tuổi. Giúp quý bạn đọc có nhiều biện pháp cải thiện sức khỏe cũng như tạo cho mình những niềm vui trong cuộc sống.
Sách hiện được phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp:
Phòng đọc tại chỗ: KEVV18.3850
Phòng mượn: MEVV18.7249 – 7250
Thân mời các bạn cùng tìm đọc!
Thu Sương