Từ bao đời nay, “Tôn sư trọng đạo” luôn là nét đẹp văn hóa truyền thống được các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát triển. Ca dao dân tộc ta có câu:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Và Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.
Quả thật vậy, nghề dạy học là là “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” (Phạm Văn Đồng). Người Thầy mang một sứ mệnh cao quý - người lái đò âm thâm, lặng lẽ ươm mầm xanh cho đất nước, rèn luyện các thế hệ trẻ cả đức lẫn tài để trở thành lực lượng có trình độ học vấn, có nhân cách sống tốt đẹp. Từ đó, đào tạo nên nguồn nhân lực góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Chính vì vậy, ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các thế hệ học trò thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cao đẹp của dân tộc ta. Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường, dù ít dù nhiều, họ cũng sẽ mang trong mình những tình cảm, những kỉ niệm về thầy cô. Những kỉ niệm ấy có khi là niềm vui, có khi là sự hối lỗi, đôi khi lại là một sự tri ân chưa kịp nói nên lời. Và tất cả những cung bật cảm xúc ấy được thể hiện vô cùng sâu sắc trong quyển sách “Tâm huyết nhà giáo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Hội Nhà văn Việt Nam - Công đoàn Giáo dục Việt Nam – Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp biên tập và Nhà xuất bản giáo dục xuất bản năm 2007.
Đây là cuốn sách tập hợp những mẩu chuyện tiêu biểu của các thí sinh tham gia “Cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mỗi tác giả gửi đến chúng ta những câu chuyện kể có thật, cùng những cảm xúc dạt dào, những kỉ niệm khó phai về những người thầy kính yêu. Đọc những truyện ngắn ấy, chúng ta như cũng thấy hình ảnh của chính mình, của những thầy cô giáo, những người là “người mẹ thứ hai” của mình. Các câu chuyện ấy, đồng thời cũng đề cao những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách, lối sống trong các quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp của những người có công lao to lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Quyển sách chứa đựng những câu chuyện cảm động có ý nghĩa sâu sắc, khơi dậy được tình cảm sâu lắng, bền chắc trong mỗi người cầm bút khi viết về người Thầy nói riêng và giới giáo chức nói chung. Và để thiết thực chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Thư viện tỉnh Đồng Tháp xin gửi đến quý bạn đọc quyển sách “Tâm huyết nhà giáo” như một lời tri ân dành cho những người thầy ở mọi thế hệ.
“Tâm huyết nhà giáo” được trân trọng giới thiệu và phục vụ quý bạn đọc tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp.
Phòng đọc: KDVV10.6415
Tuyết Nhung