Cụm từ Văn hóa ứng xử, hay kỹ năng giao tiếp là cụm từ được quan tâm nhiều trong xã hội này nay, một xã hội hiện đại, xã hội mà con người cần phải năng động, sáng tạo để tiếp cận được với nền tri thức nhằm đáp ứng được nhu cầu công việc cũng như các nhu cầu khác. Trong truyền thống văn hóa Việt Nam ta cũng vậy, ông cha ta rất chú ý đến văn hóa ứng xử cũng như kỹ năng giao tiếp được thể hiện qua những câu chăm ngôn như: “học ăn học nói, học gói, học mở” hay “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”... Công việc của ta có thành công hay không, cuộc sống có hạnh phúc hay không cũng một phần do ứng xử và kỹ năng giao tiếp quyết định. Vì vậy có thể nói văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp không thể thiếu trong đời sống của mỗi con người, nó có thể quyết định được sự thành công hay thất bại của một con người trong xã hội.
Đến với chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh về “Văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp trong công sở”, tôi xin giới thiệu đến tất cả quý bạn đọc quyển sách “Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh”. Đây là quyển sách do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2017, với độ dày 259 trang, khổ 21cm, do tác giả Cao Thị Hải Yến sưu tầm và biên soạn. Sách gồm có 4 phần: Phần I là trình bày về cơ sở hình thành văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh; phần II là những nội dung cơ bản trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh; phần III là phát huy giá trị Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và phần cuối cùng là một số chuyện kể về Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.
Ở phần thứ nhất tác giả trình bày khái niệm Văn hóa ứng xử; các cơ sở hình thành văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh như: sự kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử của dân tộc hay sự kế thừa và phát huy tinh hoa trong văn hóa ứng xử của nhân loại.
Đến với phần thứ hai là nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử như: tin tế và uyên bác, ân cần cởi mở và chu đáo hay quyết tâm, kiên trì, bền bỉ và lạc quan của chủ tịch Hồ Chí Minh tuy nhiên cũng không thể thiếu tính khiêm nhường, nhã nhặn, lịch lãm và bình dị.
Hay ở phần thứ ba của quyển sách là phát huy giá trị văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa cụ thể như: Người luôn chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, chăm lo cho giáo dục, đào tạo nhân tài.
Phần thứ 4 là phần cuối cùng của quyển sách của quyển sách tập hợp 32 mẩu chuyện kể về văn hóa ứng xử của Bác Hồ với từng hoàn cảnh khác nhau như mẩu chuyện: hãy tôn trọng lẫn nhau, Bác đến thăm gia đình tôi…
Qua quyển sách “Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh” cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công việc cũng như qua những sinh hoạt đời thường được tác giả phản ánh trong các mẩu chuyện kể về Bác. Bác là tấm gương sáng ngời về Văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp để chúng ta noi theo, học tập theo Bác và làm theo một trong những việc Bác đã làm và để làm được điều đó chúng ta hãy đọc sách và học làm Bác mỗi ngày để rèn luyện Văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp của bản thân mình, để từ đó công việc của chúng ta được thuận lợi hơn hay cách ứng xử của mỗi người trong một tập thể được dung hòa hơn, hiểu nhau hơn để cho công việc mang lại hiệu quả hơn, và còn rất nhiều mẩu chuyện khác nói về văn hóa ứng xử của Bác Hồ trong quyển sách này, sách hiện có phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp xin mời quý bạn đọc đến Thư viện để tìm đọc.
Kim Ngân