Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Giới thiệu sáchChính trị - Xã hộiĐi vinh quang - Ở anh dũng: Hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954)

Đi vinh quang - Ở anh dũng: Hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954)

Đi vinh quang - Ở anh dũng: Hồi ký 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh (1954)

Thông tin tài liệu

Tác giả:
Nhà xuất bản: Trẻ
Năm xuất bản: 2014
Môn loại: Chính trị - Xã hội
Format: 541tr.
Xem trực tuyến: Click vào đây

Nội dung

Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chính thức được thực thi, cũng là lúc hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhận lệnh tập kết ra Bắc để học tập, sản xuất, chuẩn bị nhu cầu chiến lược về nhân sự cốt cán cho đất nước sau khi thống nhất hai miền. Đây là cuộc chia ly vì nghĩa lớn thiêng liêng, cao cả nhưng cũng hết sức cảm động. Cảnh mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng, con tiễn cha trong những ngày ấy đã hằn sâu trong tiềm thức của cả một thế hệ, đánh dấu một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Viết về sự kiện năm ấy, quyển hồi ký “Đi vinh quang - Ở anh dũng” do Tỉnh ủy Đồng Tháp ấn hành, với gần 300 nhân chứng cung cấp tư liệu, hình ảnh, đã đi ngược dòng thời gian, tái hiện lại bức tranh toàn cảnh sống động của 100 ngày tổ chức tập kết chuyển quân, giúp cho người đọc lĩnh hội những bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần tiến công cách mạng và tư tưởng năng động, sáng tạo của Tỉnh ủy Long Châu Sa trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện việc tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954.

Quyển sách có dung lượng tương đối lớn, hơn 500 trang khổ 29 cm, Hồi ký được bố cục gồm 03 phần:

Phần thứ nhất: “Cao Lãnh, Long Châu Sa những ngày thi hành Hiệp định Genève”, tập hợp những tư liệu, bài viết phản ánh không khí hân hoan của tất cả những người yêu nước khi hòa bình lập lại và công tác tổ chức, sắp xếp, bố trí địa điểm đóng quân, cũng như hoạt động tiêu biểu trong 100 ngày tập kết chuyển quân tại Cao Lãnh năm 1954.

Phần thứ hai: “Đi vinh quang”, ghi lại kỷ niệm sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc, với nỗi niềm thương nhớ quê hương, cũng như những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc và ngày trở về của “Cán bộ Mùa Thu”. Những tựa đề bài viết vô cùng cảm động nhưng cũng đày khí thế của người ra đi “Nỗi lòng kẻ ở người đi”, “Những tháng năm không quên”, “Chuyến đi cho ngày trở về”… Qua đó nói lên nghĩa cử cao đẹp của bà con Long Châu Sa nói riêng, nhân dân Thanh Hóa – nơi đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam tập kết ra Bắc, và nhân dân trên khắp mọi miền đất nước nói chung với những người tập kết.

Phần thứ ba: “Ở anh dũng”, nói về quá trình bám trụ kiên cường cũng những con người kiên trung trên vùng đất “Thành đồng Tổ quốc”, với những hoạt động gian khổ trong lòng địch, cũng như sự khốc liệt của chiến trường miền Nam như các bài viết: “Chúng tôi ở lại” của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn, “Trận đánh tưng bừng khói lửa” của Nguyễn Văn Dũng, “Đi theo cách mạng phải đi đến cùng” của Nguyễn Thanh Việt…

Hồi ký “Đi vinh quang - Ở anh dũng”, không chỉ ghi chép những mẩu chuyện đơn thuần của cảnh chia ly giữa người ở, người đi trong thời kỳ kết thúc chiến tranh, sự chiến đấu ngoan cường, hy sinh cao cả của những người bám trụ trên quê hương và tấm lòng của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước, cũng như nhân dân bạn, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc kháng chiến oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Mà qua đó, chúng ta còn rút ra được nhiều điều bổ ích trong việc lĩnh hội tư duy chính trị và lý luận năng động, sáng tạo của Đảng ta, của Đảng bộ tỉnh Long Châu Sa đã vận dụng thành công trong chín năm kháng chiến nói chung, cũng như trong sự chỉ đạo tổ chức thực hiện việc tập kết chuyển quân 100 ngày tại Cao Lãnh nói riêng.

Đọc những bài viết chân thật trong cuốn Hồi ký “Đi vinh quang - Ở anh dũng” chắc hẳn sẽ làm sống dậy những kỷ niệm đẹp in sâu trong ký ức của những người đã qua thời gian sống trong vùng tập kết chuyển quân 100 ngày tại Cao Lãnh, chứng kiến sự gắn bó tình cảm keo sơn giữa bộ đội và nhân dân, giữa cán bộ và quần chúng. Đồng thời, cũng giúp thế hệ trẻ chúng ta hôm nay hiểu hơn về một giai đoạn, một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, “Góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, cho thế hệ trẻ và cho đời sau” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Quyển sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.

Thanh Duyên

 
Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.