Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Thư viện tỉnh Đồng Tháp giới thiệu đến bạn đọc chùm sách mang chủ đề “Tri ân các anh hùng liệt sĩ” nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc và là động lực thúc đẩy các thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, noi gương cha anh đóng góp công sức, trí tuệ dựng xây đất nước, gồm các tác phẩm:
“Những người làm nên huyền thoại” của tác giả Trịnh Dũng – Bùi Thu Hương, nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2011.
“Bà mẹ của mười liệt sĩ” của tác giả Tô Phương, nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 2007.
“Thương binh tàn nhưng không phế” do nhà xuất bản Thông tấn phát hành năm 2007.
Tuy chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ nhưng những kí ức về nó mãi vẫn khắc sâu vào tâm thức của mỗi chúng ta. Lật lại những trang sử vẻ vang của dân tộc để hiểu về một thời kì kháng chiến hào hùng của quân và dân Việt Nam, hơn hết để hiểu về những người con ưu tú đã ngã xuống và vĩnh viễn yên nghỉ trên mọi miền Tổ quốc.
Với gần 250 trang sách, “Những người làm nên lịch sử” thể hiện một cách đầy đủ về sự kiện, nhân chứng liên quan đến con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển, một biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thông qua các bài viết “Tấm lòng má Hai”, “Người thầy cầm súng”, “Một người cảm tử trên tàu 235”, “Vũ Trung Tính và 18 chuyến đi trên Đoàn tàu không số”, “Má Mười Rìu: Người bán gia tài mua tàu Không số”… tác phẩm thể hiện sự ghi nhận, tri ân trân trọng với những đóng góp vô giá của những cán bộ, chiến sĩ, một số địa phương của Nam Bộ, trong đó có lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, quên mình vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc cho đông đảo quần chúng.
Đó chỉ là một khía cạnh thể hiện về chủ đề chiến tranh khẳng định sự cống hiến, hy sinh của những chiến sĩ trên chiến trường. Lịch sử đấu tranh của dân tộc ta qua những trang viết còn thể hiện sự hy sinh thầm lặng vô cùng cao quý của những người mẹ. Mất mát vì chiến tranh thì nhiều, song có lẽ sự mất mát của những bà mẹ mất đi những đứa con mãi là nỗi đau vô tận. Nhiều người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc một tài sản tinh thần vô giá đó chính là những đứa con ưu tú của mình. Cuốn sách “Bà mẹ của mười liệt sĩ” do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành đã nhắc nhở thế hệ ngày nay về sự hi sinh cao cả của những người Mẹ Việt Nam anh hùng cho hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay.
Đọc “Bà mẹ của mười liệt sĩ” của tác giả Tô Phương, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu về cuộc đời khổ cực, đau thương mà mẹ Nguyễn Thị Rành phải trải qua từ lúc tuổi còn thơ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược từ những năm 1974 đến 1969 trong 22 năm, mẹ phải chịu cảnh tre già khóc măng non khi 8 đứa con trai yêu quý của mẹ là Dúng, Sóc, Vẻ, Hè, Huội, Sướng, Nâng, Luôn và 2 đứa cháu nội, ngoại là Rưng, Cường lần lượt ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông đất nước. Đau thương, mất mát là thế nhưng mẹ Nguyễn Thị Rành quyết không ngã quỵ, quyết không từ bỏ khi Tổ quốc còn lâm nguy.
Lòng mẹ thương con vô bờ bến, vì đất nước có rất nhiều bà mẹ được vinh danh là Bà mẹ Việt Nam anh hùng đồng nghĩa với việc họ phải nhận về mình vô vàn những nỗi đau thương. Nỗi tiếc thương cho những đứa con đã ngã xuống, chứng kiến nỗi đau hằng ngày của những người con may mắn còn sống sót nhưng phải mang thương tật do chiến tranh để lại. Chứng kiến nỗi đau ấy, các tác giả đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh một phần xương máu của mình vì độc lập tự do của Tổ Quốc qua tác phẩm “Thương binh tàn nhưng không phế”. Song, các tác giả không phải nói về những đau thương mà chủ yếu nói về nghị lực vươn lên của rất nhiều tấm gương thương binh.
Có người thương binh bị mù một mắt, cụt cả hai tay vẫn miệt mài qua bao năm tháng mở đất, trồng cây, đi tìm nghề mới thắp sáng cả vùng quê nghèo. Có người thương bình dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người để lại những cảm xúc cho đời từ chính những “vết chân tròn” trên cát. Nhiều người trong số họ đã trở thành những nhà văn, nhà báo, nhà khoa học xuất sắc hoặc đang đảm đương những trọng trách quan trọng... Có lẽ để làm nên những điều tưởng chừng như huyền thoại ấy, chính những người thương binh với nghị lực của người lính cụ Hồ luôn thấm nhuần lời Bác: “Thương binh là những người đã hi sinh gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ Quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt... Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí từng là người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận...Thương binh tàn nhưng không phế”.
Quý vị và các bạn hãy đọc và cảm nhận những cuốn sách này để hiểu hơn về những nhân vật đã làm nên huyền thoại, không tiếc máu xương bảo vệ tổ quốc, đọc để tự hào về những người mẹ đã thầm lặng hy sinh, chấp nhận đau thương để con mình làm tròn nhiệm vụ với tổ quốc và cũng để noi theo tấm gương của những người thương binh, họ đã ra sức lao động và sáng tạo, vượt qua nỗi đau của thương tật, tạo dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng xã hội xây dựng quê hương ngày càng phát triển, mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Không chỉ có 3 cuốn sách “Những người làm nên huyền thoại”, “Bà mẹ của mười liệt sĩ”, “Thương binh tàn nhưng không phế” mà Thư viện tỉnh Đồng Tháp còn nhiều tác phẩm hay viết về chủ đề thương binh liệt sĩ mời quý vị và các bạn tìm đọc.