“Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” của tác giả E.H.Gombrich, Đoàn Thị Xuân Mai dịch do NXB Tri Thức xuất bản năm 2010, tái bản năm 2015 là một quyển sách thú vị dành cho các bạn nhỏ.
“Mỗi tuần có 7 ngày. Điều này ai cũng biết. Nhưng em có biết ngày trong tuần được đặt tên như thế nào không?”. Đó chính là một trong những điều thú vị mà quyển sách dành tặng cho bạn nếu bạn mở trang 37 của quyển sách.
Quyển sách được viết bởi E.H.Gombrich, ông là người viết lịch sử nghệ thuật lừng danh nhất đương thời. Và cuốn sách “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” của ông được phát hành lần đầu tiên vào năm 1936 đã gặt hái thành công ngay lập tức và cho đến hôm nay đã được ấn hành bằng 25 thứ tiếng trên toàn thế giới.
Sách dày 425 trang, được thể hiện dưới hình thức những câu chuyện kể. Đây là cuốn lịch sử nghệ thuật với 40 câu chuyện.
Cảm nhận về quyển sách, - Anthony Grafton, Wall Street Journal đã viết: “Thật may mắn cho những trẻ em nào được đọc cuốn sách này. Độc giả người lớn khi đọc nó cũng sẽ tìm thấy tinh thần chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện trong sách ở đỉnh cao”.
Câu chuyện đầu tiên trong quyển sách có nhan đề “Ngày xử ngày xưa” với cách giới thiệu quen thuộc “Mọi câu chuyện kể đều bắt đầu từ “ngày xửa, ngày xưa”. Câu chuyện lịch sử thế giới mà ta sắp kể cho em cũng thế...”
Và ông kể, khởi đầu từ mấy chục nghìn năm của kỷ Băng hà, thời của người tiền sử, rồi Trái đất dần ấm lên, băng giá dời về núi non và con người bắt đầu học cách trồng lúa, dựng lều trại, thuần hóa các loài vật hoang dã thành gia súc, qua thời đồ đồng...
Lịch sử chính thức bắt đầu từ năm 3100 trước Công nguyên từ vùng đất bên dòng sông Nile khi vua Menes trị vì xứ Ai Cập, sau đó chữ viết ra đời, mỗi tuần có bảy ngày... cùng nhiều thành tựu khác của con người theo thời gian như phát âm theo chữ cái, phát minh ra số học, âm nhạc, chế tạo máy móc, vũ khí, tàu thủy, xe lửa, mỗi tuần có 7 ngày…
Những cuộc chiến tranh của nước lớn với nước nhỏ xuất phát từ tham vọng bá chủ của các vị hoàng đế, giữa các tôn giáo. Những nhân vật làm nên lịch sử thế giới, nổi lên và chết trong cô độc hay thất bại thảm thương.
Và nhiều câu chuyện kể về sự ra đời của các tôn giáo và các đấng tối cao như Thiên Chúa, Đức Phật, Thánh Allah... Cuối cùng, câu chuyện lịch sử của E. Gombrich (tạm) dừng vào năm 1989, một sự kiện không ai có thể nghĩ đến đã xảy ra.
Các chi tiết trong truyện được kể bằng giọng hóm hỉnh, vui tươi, nhưng cung cấp được nhiều kiến thức hay, khiến người đọc có cảm giác mình đang ngồi trò chuyện với một ông lão uyên bác.
Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử, quyển sách vẫn chinh phục được trái tim hàng triệu người đọc bởi nó đã thể hiện quan điểm của ông về cách tiếp cận lịch sử và cũng là về sự học đó là một hành trình khám phá đầy lí thú.
Quyển sách “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” có nội dung đầy hứng khởi, làm tiền đề cho câu chuyện nghệ thuật. Với chủ ý viết cho thiếu nhi, Gombrich kể lại những câu chuyện lịch sử châu Âu bằng nghệ thuật thêu dệt tưởng tượng, cài đặt cùng vô vàn sự kiện, chi tiết có thật. Mỗi chuyện kể của Gombrich như mở ra một thế giới mà tuổi thơ chưa hề biết nhưng luôn khao khát khám phá. Đọc “Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” không chỉ để bồi dưỡng tâm hồn mà còn bồi dưỡng cả trí tuệ.
“Chuyện nhỏ trong thế giới lớn” dành cho trẻ em nhưng với người lớn, càng đọc càng cuốn theo. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện Đồng Tháp.
Phòng đọc tại chỗ: KDVV11.6589
Phòng mượn: MDVV11.8145 - 8146
Thúy Hằng