Trong sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, giai đoạn 1930-1945 có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là giai đoạn đầu tiên cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sau một thời kỳ dài bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước. Chỉ sau 15 năm thành lập, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930-1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra sôi nổi, có nhiều điểm độc đáo. Trong đó ở Nam Kỳ là nơi phong trào dân tộc dân chủ diễn ra rất sôi động.
Nhân dịp kỉ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023) Thư viện tỉnh Đồng Tháp xin được giới thiệu cuốn sách “Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930-1945, nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ” do TS. Phạm Thị Huệ biên soạn, Nxb. Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2018. Với khổ 16x24cm, dày 483 trang.
Đây là công trình nghiên cứu về phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930-1945 dựa trên nền cốt chủ yếu là tư liệu của chính quyền thực dân Pháp ban hành trong những năm 1930-1945 hiện đang bảo quản tại các kho lưu trữ. Quyển sách có độ dày 483 trang, được chia làm 03 phần:
Phần 1 – “Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930-1935” xoay quanh các vấn đề như: Vài nét về vùng đất Nam Kỳ trước năm 1930; Tình hình thế giới và trong nước những năm 1930-1931; Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1930-1931 (Những cuộc đấu tranh đầu tiên ở Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự đàn áp của thực dân Pháp), giai đoạn 1932-1935 (Khôi phục, củng cố tổ chức và lực lượng cách mạng).
Phần 2 – “Cuộc vận động dân chủ ở Nam Kỳ giai đoạn 1936-1939” bao gồm các nội dung về: Tình hình thế giới và trong nước trước cuộc vận động; Các cuộc vận động dân chủ nổi tiếng như phong trào Đông Dương Đại hội, phong trào “đón rước” Justin Godard và Jules Brévié, phong trào báo chí công khai, các cuộc vận động nghị trường,…
Phần 3 - “Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Nam Kỳ giai đoạn 1939-1945”. Ở Chương này tác giả trình bày một số nội dung chính: Bối cảnh lịch sử trong những năm 1939-1940; Cuộc khởi nghĩa tháng 11 năm 1940 và những thủ đoạn đàn áp của thực dân Pháp; Đấu tranh khôi phục lực lượng cách mạng sau khởi nghĩa 1941-1942; Xây dựng, phát triển tổ chức và lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ giai đoạn 1943-1945; Khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng ta gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là sự thể nghiệm thành công đầu tiên chủ nghĩa Mác-Lênin tại một nước thuộc địa ở châu Á. Đây còn là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với xu thế của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cuốn sách gồm nhiều tư liệu có giá trị từ nước ngoài để cung cấp cho bạn đọc có thêm những tư liệu quý giá, khách quan với mong muốn mang đến cho bạn đọc tiếp cận mới, một nguồn thông tin mới trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử vùng đất Nam Kỳ xưa, Nam Bộ ngày nay qua việc nghiên cứu phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ (1930-1945), và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Kỳ.
Thư viện tỉnh Đồng Tháp trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Hồng Nhiên