“Cao Lãnh – Cảnh cũ người xưa” là nhan đề quyển sách của tác giả Phạm Nguyễn Ý Tuyên và là quyển sách thứ hai được xuất bản trong loạt sách biên khảo “Chuyện xưa tích cũ” của tỉnh Đồng Tháp.
Tác phẩm được nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và Hội Khoa học lịch sử Đồng Tháp phát hành vào quý II năm 2019. Ngay khi xuất bản, quyển sách đã được đón nhận một cách nhiệt thành từ quý đọc giả.
Sách được kết cấu thành 3 phần. Phần 1: Quê hương – Đất nước; phần 2: Con người; Phần 3: Sự kiện. Mỗi phần được trình bày bởi những bài viết, có đến 12 bài viết trong phần thứ nhất, 32 bài và 43 bài viết lần lượt được thể hiện trong phần thứ 2 và thứ ba của quyển sách. Dường như mỗi câu chuyện là một vấn đề, một khía cạnh, một nhân vật, một sự kiện đã diễn ra mà ít ai nhắc đến đã được tác giả khéo léo thể hiện trong quyển sách.
Điều đáng chú ý ở quyển sách, mỗi bài viết, tác giả dường như đã khai thác hết tất cả các cứ liệu có được từ trước và những thông tin, trải nghiệm của bản thân để cho ra đời một bài viết thật sự súc tích, dày đặc thông tin, giúp người đọc hiểu một cách rõ ràng, sâu sắc. Cuối mỗi bài viết, tác giả lại dẫn chứng những tài liệu tham khảo, trích dẫn từ sách, tạp chí, bài báo đã được xuất bản.
Dung lượng sách khá dày, dường như tác giả đã có ý gom hết tất cả những chuyện xưa, tích cũ để giới thiệu đến bạn đọc để hiểu và thêm yêu mảnh đất quê hương mình. Tác giả vốn là người con của mảnh đất Hòa An, Cao Lãnh – vốn giàu truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học. Với vốn tư liệu đồ sộ và tâm huyết của mình, Nguyễn Phạm Ý Tuyên đã dẫn dắt bạn đọc về với khung cảnh hội chợ Tết Cao Lãnh cách đây hơn 60 năm, giới thiệu đến chúng ta về chặng đường thay da đổi thịt của Đồng Tháp Mười, hay cung cấp thêm những giả thuyết đắc giá về nguồn gốc, địa danh Đồng Tháp Mười.
Không chỉ thế, ở phần thứ 2 và 3 của quyển sách, dường như nguồn cảm hứng đong đầy hơn khi tác giả viết về những con người, những sự kiện lịch sử đã diễn ra gắn với mảnh đất Cao Lãnh mến yêu. Hình ảnh những con người được nhắc đến trong “Cao Lãnh – Cảnh cũ người xưa” khá bình dị bên những công lao của họ. Vì thế để lại nhiều cảm xúc lắng đọng đối với người đọc. Chẳng hạn như bài viết: “Liệt nữ Nguyễn Thị Dành – thân mẫu nhạc sĩ Trần Văn Khê máu đào thấm đẫm đất Cao Lãnh anh hùng”, “Nữ đảng viên Cộng sản Nguyễn Thị Lựu, riêng chung tình nghĩa vẫn trọn lòng”, “Người phụ nữ Cao Lãnh tuyệt vời, tàn mà không phế:…
Toàn bộ quyển sách gồm 87 bài viết, đem đến cho bạn đọc một hình dung chung nhất về Cao Lãnh, đứa con cưng Nam Bộ, từng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười lừng danh “Việt Bắc miền Nam”, vùng đất phương Nam lắm cá, nhiều tôm, còn mang đậm dấu ấn mở cõi. Đồng thời, nơi đây cũng là vùng địa linh nhân kiệt, là “lò cách mạng”, “ổ Cộng sản” trong lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc với những cái tên đã đi vào lịch sử cùng với những con người sống mãi trong lòng nhân dân Cao Lãnh, Đồng Tháp nói riêng và cả dân tộc Việt Nam ta.
Hãy một lần đọc “Cao Lãnh – cảnh cũ người xưa” của tác giả Phạm Nguyễn Ý Tuyên để cùng cảm nhận và thêm yêu, thêm quý mảnh đất anh hùng, nơi có những con người chịu thương, chịu khó, chân chất, giàu lòng nhân hậu, rất đỗi thủy chung nhưng kiên trung trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Đồng thời, cũng để tự hào về những vẻ đẹp trong văn hóa, truyền thống của mảnh đất quê hương mến yêu.
Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Thân mời các bạn cùng tìm đọc.
Thanh Duyên