Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết ngày 21/7/1954, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, tạm thời chia đôi Việt Nam thành hai vùng tập trung quân sự tại vĩ tuyến 17.
Hệ thống bộ máy dân sự và lực lượng quân sự của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tập trung ở miền Bắc và hệ thống bộ máy dân sự và lực lượng quân sự của chính quyền Liên hiệp Pháp được tập trung ở miền Nam, chờ ngày tổng tuyển cử tự do.
Ngày 29/10/1954, tại Bến bắc Cao Lãnh, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra – Cuộc tiễn đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đây là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa vô cùng to lớn: đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, xây dựng miền Bắc Xã hội chủ nghĩa làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong phần thứ nhất, tập 2 của Hồi ký Tổ quốc gọi, tác giả Nguyễn Long Trảo đã dành rất nhiều trang viết về sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 với nhiều cảm xúc khác nhau.
Đây là một đoạn đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người đọc, mang giá trị nhân văn sâu sắc trong quyển sách “Để rồi hôm nay tôi lại trở về nhưng không phải bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do trong hòa bình như hàng kỳ vọng theo những điều đã được thỏa thuận trong Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, mà lại là qua một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài trên hai mươi năm, một cuộc chiến đã gây ra biết bao đau thương mất mát, một cuộc chiến cho dù là do một cường quốc đế quốc gây ra nhưng trên thực tế thì đổ xương đổ máu hầu như cũng chỉ là người Việt Nam, bất luận họ đã từng đứng ở phía nào, chớ người nước ngoài thì phỏng có bao nhiêu? Đấy quả thật là một quá khứ đau thương, nhnwg dù sao thì đó cũng là câu chuyện của ngày hôm qua, còn trước mắt đây là cả một quê hương mấy mươi năm bị chiến tranh tàn phá, là một nhân tâm đang trong hồi nghiêng ngửa. Cho nên phải chăng đã đến lúc cần khép lại trang sử cũ với bao hận thù đối địch giữa những con người Việt Nam với nhau để cùng nhau xây đắp tương lai, không thể chỉ chăm chăm vào việc “ơn đền oán trả” để rồi hận thù lại chồng chất thêm hận thù”.
Trong phần giới thiệu này, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng tìm đọc phần thứ nhất, tập 2 của Hồi ký với tiêu đề “Chuyện những người đi tập kết”. Qua các tiểu mục như: Trên đường chuyển quân tập kết, Kẻ ở người đi, miền Nam gọi chúng tôi trở về… người đọc sẽ có dịp hiểu thêm về sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954, hiểu công lao, sự hy sinh to lớn của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Từ đó, bồi dưỡng truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ chúng ta hôm nay để phát huy hào khí dân tộc phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh.