Nhân dịp trại giam Cao Lãnh phối hợp cùng Thư viện tỉnh Đồng Tháp tổ chức cho tập thể phạm nhân cuộc thi viết về chủ đề “Gia đình – nơi chia sẻ yêu thương” đây là dịp để bản thân tôi viết ra những cảm nghĩ của riêng mình, qua những câu chuyện mà đã đọc được trong sách, qua đó giúp tôi trải nghiệm những điều bổ ích trong cuộc sống... Tôi đã đọc và nghiền ngẫm rất nhiều lần quyển sách Cao hơn đỉnh Thái, của tác giả Quang Ngọc, trong tập Tâm hồn cao thượng – do nhà xuất bản Văn hóa thông tin biên soạn năm 2009.
Trong quyển sách có rất nhiều câu chuyện ngắn rất hay và đầy ý nghĩa, trong đó có một câu chuyện mà tôi cảm thấy hay nhất đối với mình, nội dung câu chuyện kể về một gia đình có ba người. Cuộc sống của họ rất vui vẻ và hạnh phúc tất cả cũng là nhờ người mẹ. Mỗi ngày người cha đi làm từ sáng sớm đến tối mới về nhà, khi nghe vợ mình kể về những lỗi mà cậu con trai phạm phải trong ngày, người cha tức giận không tiếc lời rầy la.
Có lần cậu ấy trộm một cây kẹo ở cửa tiệm nhỏ đầu phố, người cha biết chuyện và bắt con trai mình đích thân đem trả lại và đồng thời phải thú nhận với chủ tiệm rằng cậu đã ăn trộm cây kẹo. Không những vậy ông còn bắt con mình quét dọn của tiệm để chuộc lại lỗi lầm.
Có lần mẹ cậu nhờ người cha dạy cậu con trai đi xe đạp, câu xin cha mình đừng vội buông tay ra nhưng người cha nói đã đến lúc không nên vịn xe cho cậu nữa rồi, và thế ông đã buông tay làm cho cậu ấy bị té ngã xuống đất. Người mẹ vội vàng chạy tới đỡ cho cậu, nhưng người cha lạnh lùng khoát tay mẹ cậu tránh ra. Lúc đó cậu ấy rất tức giận và chứng tỏ cho ông xem cậu không cần giúp đỡ và rồi lập tức cậu lại lên xe và chạy cho ông xem, lúc ấy ông chỉ đứng im lặng và nở một nụ cười. Từ bé đến lớn cha cậu chỉ thường nói những câu “Con đi đâu” “mấy giờ về” “Không, không được đi”. Cha hoàn toàn không biết thể hiện tình cảm yêu thương của mình. Phải chăng cha cậu đã thể hiện rất nhiều nhưng cậu vô tình không cảm nhận được tình yêu thương bao la đó?
Qua câu chuyện những cảm xúc lắng đọng trong tôi như muốn vỡ òa ra, tôi liên tưởng đến tôi và cả ngoài thực tế xã hội. Khi ở vai trò người con nhỏ, chưa hiểu biết chuyện gì, thì khi làm một điều gì sai trái dù chỉ là một lỗi nhỏ thôi. Không những bị cha la mắng mà còn nghiêm khắc trừng phạt và cái suy nghĩ của một đứa trẻ con luôn luôn cho rằng “Cha mình chẳng yêu thương gì mình cả, hở tí là la mắng”, bản thân tôi khi còn bé cũng vậy, rất quậy phá và chẳng bao giờ chịu nghe lời, nên luôn bị la mắng.
Cha tôi cũng vậy, rất nghiêm khắc, mỗi khi vẻ mặt ông lạnh lùng nhìn tôi là tôi cũng đã rất sợ rồi. Có lần tôi làm sai mà còn ngang bướng nên tôi bị cha phạt quỳ gối dưới trời mưa. Cho nên tôi rất ghét ông. Khoảng cách của tôi và cha ngày càng xa hơn, tất cả tình cảm tôi dành hết cho mẹ, vì mẹ rất yêu thương, quan tâm, lo lắng và che chở cho tôi. Nhưng khi lớn dần lên, bắt đầu biết suy nghĩ và mẹ đã kể cho tôi nghe rất nhiều về cha, tôi mới hiểu được những nỗi khổ và vất vả của cha mình. Ông phải gánh vác tất cả chuyện trong gia đình, còn phải khổ tâm vì đứa con ngang bướng như tôi, mẹ nói những gì ông làm chỉ mong muốn tôi nên người và thành tài mà thôi, ông đã hi sinh rất nhiều vì gia đình và con cái, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông than phiền một lời nào, tuy vẻ mặt lạnh lùng và luôn nghiêm khắc nhưng tôi cảm nhận được một tình yêu bao la trong mắt ông... Cũng như nhân vật người cha trong câu chuyện luôn đóng vai trò một người cha xấu trong mắt con trai mình, không quan tâm con mình nghĩ như thế nào về mình, chỉ mong muốn mang đến tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con mình.
Đọc quyển sách “Cao hơn đỉnh Thái”, tôi càng hiểu ra rằng những người làm cha mẹ trên đời này đều vĩ đại cả. Chính điều này đã giúp tôi nhận ra tình cảm yêu thương mà cha dành cho tôi. Tôi hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt, quay về bên gia đình, chăm sóc và báo hiếu cho cha mẹ. Các bạn hãy cùng tìm đọc sách này để trải nghiệm những cảm xúc lắng đọng trong từng câu chuyện và rút ra cho bản thân những điều bổ ích trong cuộc sống bạn nhé!
Huỳnh Thanh Sang