Tôi vốn là một đứa rất thích đọc sách hay nói đúng hơn là tôi thích đọc truyện – thể loại truyện tình cảm. Ngày nào tôi cũng lang thang trên các trang mạng bán sách để kiếm những “quyển sách” mà tôi yêu thích. Cũng chính với lí do đó mà tôi đã tình cờ bắt gặp một quyển sách với nhan đề “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – một cái tên vừa nghe đã thấy quen. Trước đây, tôi cũng biết khá nhiều tác phẩm của ông như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Kính vạn hoa, Bảy bước tới mùa hè... nhưng lại chưa bao giờ đọc nó vì nó không phải thể loại yêu thích của tôi và “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” cũng như vậy.
Lúc đầu, đối với tôi quyển sách này cũng chẳng có gì đặc biệt nhưng lí do tôi đọc nó là vì có rất nhiều người đọc nó. Để rồi tôi cảm thấy rằng tại sao mình không đọc nó sớm hơn bởi vì chính nội dụng trong quyển sách ấy đã hạ gục tôi ngay từ những dòng chữ đầu tiên.
Với nhan đề “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” một cái tên vừa nghe qua đã làm gợi lại trong đầu người đọc về chính tuổi thơ của mình – một lứa tuổi đẹp nhất của đời người, một lứa tuổi ai cũng đã từng trải qua.
Khác với các tác phẩm trước đó, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” không hẳn là dành cho một đối tượng nhất định mà là viết cho những ai đã từng là trẻ em”, từng có tuổi thơ hoặc vẫn đang ở tại điểm tuổi thơ.
Mở đầu câu chuyện là hình ảnh thằng cu Mùi cảm nhận về cuộc sống “thật buồn chán và tẻ nhạt” nhưng lại thích thay đổi thế giới bằng trí tưởng tượng phong phú của mình. Để rồi từ đó, nó cùng lũ bạn thân gồm thằng Hải cò, con Tí sún và con tủn “sáng tạo” ra những trò chơi hồn nhiên mà thấm lòng người đọc để lại trong lòng họ bao nhiêu là dư đọng và đối với tôi cũng vậy. Từ trò chơi hóa thân vợ chồng gây cho tôi bao nhiêu cảm xúc rộn ràng, thích thú trước những lời thoại ngược đời mà ngây ngô của lũ trẻ. Làm gì có ai học bài mà lại gọi là lêu lõng, Đánh nhau mà quần áo sạch sẽ chính là làm nhục tổ tiên... đó chính là lí lẽ dạy con của “bố” cu Mùi. Còn đối với Hải cò cũng chẳng hơn. “Đến giờ cơm là ngồi vô ăn, chỉ có kẻ không được giáo dục đến nơi đến chốn mới làm như vậy” hay theo con Tủn “chỉ có bọn hư hỏng mới ăn cơm đúng giờ thôi!” còn rất nhiều cái khác nữa. Không sai, lời đối thoại ấy cũng chính là suy nghĩ của những đứa trẻ, chỉ có trẻ con mới thích những cái lí lẽ ngược đời như vậy và chúng luôn thích như vậy.
Đối với tôi, chi tiết gây cho tôi cảm giác ấn tượng nhất đó chính là việc thằng cu Mùi quyết định đặt tên lại cho thế giới. Tụi nó gọi “cái nón là cuốn tập, cái đầu là cái chân” thậm chí “cái đầu là cái mông cũng được” làm cho tôi cười chết, để rồi kết quả cho việc sử dụng sai từ ngữ ấy là làm cho cuộc sống của lũ trẻ loạn cả lên và cuối cùng thì cũng lại đâu vào đó khi mém chút nữa là bị thầy hiệu trưởng phạt vì trò nghịch ngợm của mình. Ngoài những chi tiết vui nhộn thì câu chuyện còn cho người đọc nhiều bài học, nó muốn người lớn sẽ thông cảm cho trẻ em nhiều hơn hay rộng hơn là tác gải Nguyễn Nhật Ánh muốn gợi lại chính tuổi thơ của mọi người, ông tặng cho mọi người một tấm vé để tìm về tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kì. Còn đối với tôi, tác giả đã cho tôi cảm thấy trân trọng hơn về tuổi thơ hiện tại của mình, đặc biệt tôi đang là học sinh cuối cấp nên cảm xúc trong tôi lại càng mãnh liệt, tôi muốn lưu giữ tuổi thơ đẹp đẽ cùng lũ bạn của mình mãi mãi, để sau này khi nhớ về tôi sẽ dùng chính tấm vé mà tác giả tặng để quay lại thời khắc này, thời khắc tôi lại sắp phải tạm biệt tuổi thơ của mình – cái tuổi thơ đã cho bao là kỉ niệm, bao là nỗi nhớ với tôi.
Bằng giọng văn giản dị nhưng hàm súc và giàu hình ảnh, lại có thêm nét hồn nhiên, tinh nghịch đã tạo nên một hương vị rất riêng cho câu chuyện, đưa người đọc vào một chuyến đi thú vị - hành trình trở về tuổi thơ. Câu chuyện còn là một bài học triết lí về cuộc sống, về lời dạy của những bậc phụ huynh “khi nào rượt đuổi ai hoặc bị ai rượt đuổi, con người mới phải chạy. Còn lúc khác, những người đứng đắn đều đi đứng khoan thai”. Chính tất cả những điều trên là chân lí và đã tạo nên thành công cho tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” – một trong những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Nhật Ánh được nhận giải Văn học ASEAN của năm 2010.