Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (4)

Cảm nhận về tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”

BÀI ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH (NHÓM 1) CẢM NHẬN VỀ NHỮNG TÁC PHẨM
CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH

(Họ và tên: Nguyễn Phan Minh Nguyệt – 9A5 – Trường THCS Kim Hồng)

Tôi là một người có niềm đam mê mãnh liệt với sách, tôi đã đọc rất nhiều cuốn sách hay: sách “Hạt giống tâm hồn” cho tôi biết về những câu chuyện thành đạt, những câu chuyện về tấm lòng cao đẹp hay cuốn sách “hiểu về trái tim” cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều nhưng cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã dạt dào biết bao cảm xúc trong tôi như một cơn sóng vỗ về với bao kỉ niệm thời thơ ấu.

Khi nhắc tới tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” làm tôi gợi nhớ đến tác giả Nguyễn Nhật Ánh, ông là một nhà văn Việt Nam chuyên viết về tuổi mới lớn. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955, quê ở tỉnh Quảng Nam, ông từng là Thanh niên xung phong, dạy học môn Văn tại trường THCS Bình Tây. Và tác phẩm này, “ông không viết cho trẻ em mà viết cho những người đã từng là trẻ em”, chính cái tựa đó đã thu hút tôi từ cái nhìn đầu tiên nó như một món quà mang tặng tất cả mọi người một tấm vé để tìm về nơi trong trẻo, ngây ngô và yên bình nhất của đời người.

Mở đầu tác phẩm là nhận xét về cuộc đời của nhân vật Mùi, một chú bé mới tám tuổi: “Cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Với một loạt dẫn chứng hùng hồn, cậu cho rằng “cuộc sống thật là cũ kỹ”. Mở đầu như thế, cuốn sách khiến độc giả giật mình, tự hỏi, tuổi thơ bây giờ phải chăng đã già đi mất rồi? Và cu Mùi chỉ “trẻ” lại khi cùng các bạn mình bắt đầu loay hoay tìm mọi cách thoát khỏi sự buồn chán, vô vị bằng “bảo bối” sẵn có của trẻ thơ – đó là trí tưởng tượng. Với bảo bối ấy, các em chơi trò “vợ chồng, bố mẹ, con cái” nhưng nội dung của xã hội bé bỏng đó lại không sao chép cuộc sống của người lớn, mà hoàn toàn lật ngược, đảo tung hết mọi trật tự quen thuộc.

Với bảo bối ấy, cu Mùi đã tập tành làm một nhà cách mạng tí hon”, quyết không gọi “con gà là con gà, cuốn tập là cuốn tập, cây viết là cây viết” nữa. Ngay đến cả bảng cửu chương, 2 nhân 4 cũng không muốn là 8, mà “phải là cái gì cũng được, miễn là khác đi!”. Thậm chí, cu Mùi còn cho rằng, cả chuyện trái đất ngày ngày quay quanh mặt trời cũng là một việc hết sức buồn tẻ mà nếu nó là trái đất, nó sẽ... “tìm cách quay theo hướng khác”! Nó quan sát, phân tích cuộc sống chung quanh, đôi khi đưa ra những triết lý sắc bén về các quan hệ trong xã hội, về các khái niệm đối nghịch như con ngoan và con hư, sự đơn điệu và ổn định, sự êm đềm và vô vị, sự giống nhau và tính cá biệt, tri thức và bằng cấp. Nó thử định nghĩa cả tình yêu, rằng “yêu cũng như học bơi vậy, ai lười sẽ bị chìm”! Và cuối cùng, đứa trẻ còn phán xét cả những người lớn nữa! Phiên tòa “trẻ con xử người lớn” ban đầu, một cách thông thường, có thể tạo cho người đọc cảm giác hơi khó chịu, người lớn sẽ nhăn mặt vì sự thẳng thắn quá đáng của bọn trẻ. Thế nhưng, phiên tòa ấy phản ánh rất thật, rất đúng một đòi hỏi chính đáng của tuổi thơ – đó là sự công bằng. Ở các em, “đòi hỏi sự công bằng” không đồng nghĩa với “vô lễ” – hai khái niệm mà mỗi người chúng ta thường nhầm lẫn “tình thương” và “sự tôn trọng” mà cha mẹ dành cho con cái hoàn toàn không là một!.

Là một người từng theo học ngành sư phạm, với “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” hình như Nguyễn Nhật Ánh đã viết được một cuốn “sách giáo khoa” cho môn học “Tâm lý học lứa tuổi”. Chỉ khác là những luận đề, luận điểm của môn học ấy được trình bày bằng ngòi bút dí dỏm của nhà văn khiến bài học thấm thía hơn, dễ “vào” hơn bất kỳ một cuốn sách giáo khoa được soạn cẩn thận nào!

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” thực sự là cuốn truyện hữu ích cho cả người lớn và trẻ con. Tác giả đã kéo các thế hệ lại gần nhau hơn. Đọc nó, những người lớn vô tâm mải miết với cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể sẽ dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại thời thơ ấu, và cùng nhà văn gắng hiểu những người bạn – nhằm có thể xóa đi được “lằn ranh giữa trẻ con và người lớn” mà nhà văn cho là “khó ngang với xóa bỏ ranh giới giàu, nghèo trong xã hội”.

Còn với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách hẳn cũng sẽ đem lại cho các em niềm vui thích, nhưng ở góc độ khác và cung bậc khác. Các em nhìn thấy mình trong cuốn sách với tư cách là những người ngang hàng với nhà văn! Ở đây, “ngang hàng” có nghĩa là “được trân trọng và thấu hiểu”!

Với tôi, tác phẩm này còn có nghĩa đặc biệt. Nó giúp tôi có thêm khao khát mãnh liệt hơn trên con đường ước mơ trở thành nhà văn. Cảm ơn tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã cho tôi cảm nhận được nhiều vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của cuộc sống. Nếu sau này có thể, tôi cũng muốn như tác giả viết một cuốn sách về tuổi thơ của chính mình.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.