“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đây là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm đã bao lần khiến tôi bật cười mỗi khi đọc. Tuổi thơ là một cái gì đó mang biết bao khát khao và ước vọng, đó là cái tuổi thơ hồn nhiên vô tư với bao vui buồn, mộng mơ của tuổi mới lớn. Ai rồi cũng sẽ đi qua tuổi thơ, nó không giống như một chuyến xe buýt đi rồi có thể mua vé để quay lại. Tuổi thơ đã qua nó giống như một thứ vô cùng quý giá được cất giữ trang trọng trong chiếc tủ pha lê lung linh. Tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đôi lúc chợt khiến ta nhìn thấy đâu đó hình ảnh tuổi thơ nhí nhố của ta. Cách viết quá dí dỏm, quá duyên dáng, quá trẻ con của tác giả và cả những câu chuyện, những suy nghĩ của những đứa trẻ trong câu chuyện là lý do khiến tôi không thể nhịn cười. Những nhân vật chính gồm: Hải Cò, Tí Sún, Cu Tủn, Cu Mùi... đã có một tuổi thơ đầy phong phú, lí thú, đến mức lũ trẻ phố phường ngày nay đọc đến mà phát thèm, đọc đến đôi mắt lóe lên hai từ “ngưỡng mộ”.
Là trẻ con, thay vì uống nước bằng ly sẽ uống nước bằng chai, thay vì ăn cơm bằng bát sẽ ăn bằng thau. Là trẻ con đứa nào cũng từng một lần tin vào những kho báu và thử đi tìm kho báu, chúng tin vào những câu chuyện cổ tích mà ông bà chúng kể, tin là có ông Bụt, có bà Tiên, có phép màu. Là trẻ con, đứa nào cũng từng gắn bó với một chú chó con để rồi òa khóc phải chia tay chúng, đứa nào cũng từng trách móc cha mẹ, từng hậm hực vì các nguyên tắc “người lớn luôn luôn đúng”.
Bất giác, trong một giây phút tôi chợt thấy giật mình trước những ngày còn thơ dại đã đi qua trong cuộc đời. Đã từ rất lâu, lâu lắm rồi tôi không tìm lại những kí ức của một thuở hồn nhiên, trong sáng, lâu lắm rồi tôi không biết tôi đã đi qua những ngày tháng ấy từ lúc nào.
Nhớ ngày ấy đã không biết bao lần trong giấc mơ mỗi đêm, những kí ức tuổi thơ lại chập chờn như hiện hữu, như lắng đọng, như nhắc nhở tôi về những kí ức của chính tôi. Ở nơi ấy, tôi có một gia đình hạnh phúc, có một người ông mà sẽ chẳng bao giờ tôi tìm lại được trong cuộc đời thực này, sẽ mãi mãi chỉ là những kỉ niệm, vì gia đình tôi giờ đã không còn như trước, cha tôi phải bỏ gia đình nhỏ này để đi làm ăn xa, mẹ tôi phải ngày ngày lam lũ để lo cho tuổi thơ thiếu thốn của những đứa em tôi, còn tôi tôi đang phải đối mặt với sự thất nghiệp, là một sinh viên với một tấm bằng đại hoc danh tiến trên tay, nhưng để tìm một công việc phù hợp với mình lại là một điều quá khó với tôi và cả những người bạn của tôi. Đã bao lâu rồi gia đình tôi không cùng ăn một bữa cơm, không cảm nhận được hơi ấm của một gia đình đong đầy yêu thương như lúc trước. Còn ông tôi, một người dạy dỗ tôi những điều hay, người kể chuyện cổ tích cho tôi nghe, người chia kẹo cho tôi và bạn tôi mãi khi chúng tôi ngoan, người đã cho tôi một tuổi thơ đầy tình thương và giờ đây nó chỉ là những nhớ nhung của một đứa cháu. Ở miền kí ức, tôi có những đứa bạn cùng trang lứa, cùng lớn lên nơi miền quê lam lũ. Kí ức gọi về những khi cả lũ kéo nhau ra bãi đất cạnh nhà mà bắn bi, bán đồ hàng; nhớ những chiều đầy gió lộng chúng tôi cứ loanh quanh, súm nhau đi thả diều. Cánh diều ngày ấy chỉ đơn giản là mấy thanh tre uốn cong, vài tờ giấy dán lại, gắn thêm sợi dây cước lam màu... ấy vậy mà sao vẫn hấp dẫn đến lạ kì. Rồi cả những lúc giận dỗi nhau mà chia làm hai phe: con trai và con gái để tha hồ “đả kích” phe kia. Những cuộc cãi vả sẽ kết bằng cuộc đàm phán hòa bình rồi những đứa trẻ sẽ lại vui đùa trên những cánh đồng vàng ươm đầy màu nắng. Không như những người lớn, bọn trẻ chúng tôi chỉ cần một cái nắm tay là xóa sạch hết bao giận hờn.
Và giờ đây:
“Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà
Đến nhà ga, xếp hàng, mua vé
Lần đầu tiên trong nghìn năm
Có lẽ
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Vé hạng trung”
Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp
“Hôm nay hết vé”.