Nếu nói sách là người bạn thân thiết, thì quả thật, duyên may tôi đã gặp một người! Đó là cuốn sách có tựa đề gồm hai từ ngắn gọn: “Khuyến học” của tác giả Fukuzawa Yukichi do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành, dịch giả Phạm Hữu Lợi.
Cầm quyển sách trên tay, tôi vô cùng bất ngờ khi bắt gặp dòng chữ của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đề tặng quyển sách này cho Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp. Điều đó càng làm tôi muốn tìm hiểu quyển sách này ngay lập tức. Thật vậy, đây là một quyển sách tuyệt vời!
Ngay trang đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng với dòng chữ: “Trời không tạo ra người đứng trên người”. Tiếp theo đó là những đoạn: “mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”, “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”, “Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi”, “Ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ…”!
Cuốn "khuyến học" được tác giả viết trong thời gian 1872-1876, chứa đựng nhiều tư tưởng cấp tiến về tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn, sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền học vấn mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... Nước Nhật là quốc gia coi trọng giáo dục và đã trở thành một cường quốc trên thế giới nhờ có nền giáo dục phát triển. Và phải chăng, sự phát triển đó có nền tảng từ những quan điểm về giáo dục của nhà tư tưởng, nhà giáo dục Fukuzawa Yukichi?
Phải nói rằng tôi đã bị lôi cuốn thật sự bởi những tư tưởng lớn của tác giả được thể hiện trong cuốn sách. Với quyển “Khuyến học”, tôi tìm thấy được những ý tưởng mới lạ, những lời khuyên hữu ích cho mình. Điều thú vị là những tư tưởng mang tính triết lý, nền tảng sâu sắc đó lại được trình bày với văn phong hết sức bình dị, dễ hiểu, gần gũi và sắp đặt theo trình tự rất logich, cụ thể, mạch lạc nên người đọc ở mọi trình độ có thể dễ dàng tiếp thu mà không cảm thấy nhàm chán, thể hiện một tính cách khiêm tốn với vốn kiến thức uyên thâm của tác giả. Từ việc đề cao giáo dục, khẳng định giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, tác giả đề cập phải "học cái gì?". Đó là: “học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Phải thuộc lòng bảng bốn mươi chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán; sử dụng thành thạo bàn tính; nhớ cách cân, đong, đo, đếm; Tiếp đến là phải học các môn như Địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó; học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia; học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người".
Tiếp đó, tác giả chỉ rõ phải "học như thế nào?" Đó là: phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật". Từ việc trả lời hai câu hỏi trên, Fukuzawa nhấn mạnh rằng, chỉ có học như thế mới hiệu quả và có ích cho cuộc sống.
Những quan điểm, tư tưởng lớn của Fukuzawa thể hiện trong tác phẩm “Khuyến học” được trình bày thật cụ thể, ngắn gọn, cô đọng, hàm súc khiến người đọc càng nghiền ngẫm, càng thấm thía. Những ý tưởng của ông khiến tôi thực sự tâm đắc như:
- Tự do không phải là chỉ biết có tôi, cho riêng tôi.
- Trách nhiệm của "người đứng trên người".
- Người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học.
- Đừng đánh giá người khác bằng suy xét chủ quan của mình.
- Tệ hại nhất là tham lam.
- Đang hạnh phúc thì chớ quên sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục.
- Có những người còn trẻ mà lại muốn lựa chọn những công việc an nhàn.
- Phải luôn xem xét lại tinh thần của bản thân…
Đảng và nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Do đó, theo tôi, đây là quyển sách mà mọi người Việt Nam đều nên đọc. Việc nhấn mạnh tính cách độc lập, sáng tạo của con người trên cơ sở giáo dục tinh thần khoa học tiên tiến đã thể hiện trong tác phẩm “Khuyến học” sẽ là một gợi ý hữu ích cho công tác giáo dục của chúng ta. Thiết nghĩ, đó là một nội dung quan trọng cần xem xét để hướng đến nền giáo dục nhằm xây dựng những thế hệ người Việt Nam đầy tự tin, năng động, sáng tạo, biết sử dụng lý trí của chính mình một cách độc lập để suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn nhất, hiệu quả nhất nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta đọc “Khuyến học” của Fukuzawa để biết người dân Nhật Bản đã xây dựng đất nước như thế nào để biến một quốc gia lạc hậu thành cường quốc năm châu chỉ sau ba mươi năm công cuộc duy tân. Đọc để biết vì sao sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết những hạn chế của mình và phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ đã viết trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.