“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc [độc lập, tự do] thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù chúng ta quyết cũng không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền” – Fukuzawa Yukichi. Câu nói của ông thật hay và ý nghĩa làm cho mọi người ở Nhật không ai là không biết ông. Người Nhật nói về ông như một bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật hiện đại, hình của ông được in trên tờ tiền có mệnh giá cao nhất đó là tờ 10 nghìn yên.
Fukuzawa Yukichi sinh năm 1835, mất năm 1901, thọ 66 tuổi. Ông sinh ra tại Osaka, khi cha ông đang làm cho phủ đại diện của lãnh địa Nakastu ở đó. Ông luôn mang nặng mối bất bình với công việc chế độ đẳng cấp phong kiến.
Ông đã để lại trước tác với số lượng lên tới hàng vạn trang, trong đó tiêu biểu phải kể đến là “Khuyến học”. Đây có thể coi là một trong những cuốn sách đã làm thay đổi Nhật Bản. Nó thực sự đã truyền tải được những tư tưởng lớn của thời đại.
Nội dung chính của tác phẩm tập trung vào việc phê phán nền giáo dục Hán học đương thời, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, khai phóng nền giáo dục hiện tại của Nhật Bản theo hướng Tây học. Mỗi người trong xã hội, từ các học giả uyên bác, những viên chức nhà nước địa vị cao đến những nông dân nghèo và những người buôn bán nhỏ đều có thể đi học để thực hiện tốt hơn chức năng riêng của mình, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, chứ không nhất thiết phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống của Nho học hủ lậu. Học hành không có nghĩa là chỉ học những chữ hóc búa, đọc những bài văn cổ khó hiểu, làm thơ hay bàn chuyện văn học không có ích gì cho đời… Xưa nay ít có nhà Hán học nào giỏi việc nhà, hiếm cho chonin (dân thành thị: buôn bán, thủ công) nào giỏi làm waka (nghệ thuật Hòa ca) mà lại thành công trong chuyện buôn bán. Bởi vậy có những bách tách (nông dân) lo xa nghĩ rộng không muốn cho con mình vùi đầu vào đèn sách tối ngày để rồi phải tác gia bại sản… Điều này chứng tỏ lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hằng ngày”.
Quan điểm giáo dục thực học của Fukuzawa Yukichi thể hiện rõ phương châm: học phải đi đôi với hành, và hơn thế học là để thực hành. Muốn thực hiện phương châm ấy, theo tác giả cần phải tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Học cái gì và học như thế nào? Mục đích của giáo dục nhằm nuôi dưỡng năng lục lựa chọn của người Nhật, hay nói cách khác, muốn trau dồi năng lực lựa chọn thì người Nhật trước hết phải nâng cao tri thức và không ngừng học tập: “Cần phải có năng lực lựa chọn: tin cái gì và nghi ngờ cái gì? Kết quả của học vấn chính là ở chỗ nuôi dưỡng năng lực lựa chọn đó”.
Có thể thấy rằng, một khi xây dựng được nền tri thức phát triển cao và một nền giáo dục vững mạnh thì người Nhật mới có thể tự tin sử dụng năng lực lựa chọn của mình để cân nhắc về việc tiếp thu từ văn minh phương Tây những cái gì là tốt, là phù hợp và loại bỏ những gì không tốt, không phù hợp. Fukuzawa Yukichi hoàn toàn có lý khi chỉ ra vai trò to lớn của giáo dục trong việc nuôi dưỡng năng lực lựa chọn có phê phán của con người. Nếu không có tri thức, không có hiểu biết đầy đủ thì chúng ta sẽ rất khó nhận diện được cái gì tốt, cái gì không tốt.
Việc nhấn mạnh tính cách độc lập,sáng tạo của con người trên cơ sở giáo dục tinh thần khoa học tiên tiến của tác giả đã thể hiện rất rõ trong quyển “Khuyến học”, trở thành cơ sở cho triết lý giáo dục hiện đại của Nhật Bản và tất nhiên cũng sẽ là một gợi ý hữu ích để chúng ta xây dựng một nền giáo dục mới dựa trên tư duy độc lập và sáng tạo của người học:
“Việc coi trọng tư tưởng thực học của Fukuzawwa chính là con đường làm cho đất nước phú cường. Người Nhật Bản thời Minh Trị được giải phóng khỏi chế độ phân chia đẳng cấp phong kiến, được học một nền giáo dục thực học có ích cho đời sống hằng ngày. Sự phân chia “sĩ – nông – công – thương” đã chấm dứt, việc kinh doanh thực nghiệp đã mở ra, “cá nhân cũng độc lập, gia đình cũng độc lập, quốc gia cũng độc lập”, những lời khởi xướng đó thật thích hợp với Nhật Bản trong việc tiếp thi văn minh phương Tây, để xây dựng quốc gia cận đại.
Tác phẩm của ông thật hay và có ý nghĩa, nó phê phán nền giáo dục Hán học đương thời, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, khai phóng nền giáo dục hiện đại của Nhật bản. Theo đó, học tập tinh thần của người Nhật, chúng ta xây dựng nền tảng học vấn cho cá nhân mỗi người. Bởi lẽ, khi sinh ra chúng ta là bình đẳng, trình độ học vấn mới làm nên sự khác biệt giữa mỗi người. Hãy học để xây dựng đất nước ngày một tươi đẹp hơn.