“Không thể nhìn con người một cách đơn giản, nhà văn phải phấn đấu để đào xới bản chất con người, khám phá cái hạt ngọc ánh ngời ẩn dấu sau cái lấm láp, bụi bẩn đời thường”. Nếu như đúng những gì Nguyễn Minh Châu quan niệm thì tôi cho rằng quyển “Những người giữ lửa tình yêu với sách” của tác giả Nguyễn Hữu Giới là một tác phẩm như thế.
Quyển sách dày 277 trang, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc Hà Nội phát hành năm 2012, là hai mươi bốn mẩu chuyện ngắn về việc đọc sách, về những tấm gương làm nghề thư viện giỏi trên khắp mọi miền đất nước.
Nếu ai đó từng ví thầy cô giáo như những người khuân trí thức về ươm giữa vườn đời thì tôi ví những người làm nghê thư viện đây chính là những người làm vườn cần mẫn. Họ vung vén, cắt tỉa cho tri thức thêm vững chải, thêm cao đẹp giữa cuộc đời. Họ âm thầm và nhẫn nại, góp một phần sức lực giữ cho tri thức không mòn phai theo vòng quay hối hả của thời đại. Trong bàn tay họ, giữ linh hồn của sách, giữa cái nét văn hóa duyên dáng, đẹp đẽ từ bao đời của cha ông: “Văn hóa đọc”. Từ đời này sang đời khác, tri thức vươn tàng xnah tươi, tít tắp thành những cánh rừng bạt ngàn. Bằng tấm lòng thảo thơm của mình, những người làm vườn đặc biết ấy dang tay chào mời những ai dùng chân gé lại, dù chỉ chốc lát. Với tôi, họ không gì khác hơn là những người bạn, đồng hành dọc suốt những ngày tuổi trẻ đầy những hanh hao, chói gắt, đầy những vần vũ, bão giông này. Dưới bóng râm của tri thức, tôi thấy mình dịu lại, như những phút an trú giữa những chuyển lay tàn nhẫn của cuộc đời.
Đọc quyển sách này, tôi như tìm thấy trọn vẹn bóng hình ấy. Rất gần gũi, rất thân thương, như “Ông tiên của thiếu nhi ở phòng đọc sách Hải Hậu”. Bằng ngôn từ trần thuật giản dị, gần gũi khiến tôi cảm thấy mình như đang bé lại, để được là một đứa bé hưởng lấy cái bụi phép tri thức nhiệm màu ở phòng đọc của một huyện nhỏ phía Bắc xa xôi. Đọc để thấy ấm lòng xiết bao, khi tưởng chừng tiên, phật, thánh thần chỉ là hư ảo, nay hiện ra trong cái dáng dấp của những con người thuần phát, thân gầy ấy. Gọi người cán bộ thư viện Đặng Văn Khảm là “ông tiên” quả không sai, khi bác dường như đang kể một câu chuyện cổ tích giữa đời sống thường nhật mang tên: “Văn hóa đọc”. Đọc để được học ở người thư viện ấy cái triết lý tình thương: “Trái tim giàu lên nhờ cái nó cho đi” (V.Hugo). Tôi cảm nhận được ở bác cái tấm lòng dành cho duyên nghiệp gắn bó cùng sách.
Hình ảnh của bác làm tôi liên tưởng tới một thân cây già vỏ, nhưng bên trong vẫn cuồn cuộn nhựa sống, nhựa vẫn tuôn ra, đâm chồi trên những thứa gỗ cỗi cằn, già nua. Ở cái tuổi ngũ tuần tôi vẫn thấy ở bác sức trẻ, trong sự linh hoạt tinh tế, trong cách nắm bắt những chuyển biến về văn hóa đọc của riêng bác. Qua chuyện kể, tôi còn thấy ở bác một tầm nhìn dành cho thế hệ trẻ, ở việc “đọc không chỉ để thỏa mãn nhu dầu giải trí, mà còn biến thư viện thành ngôi nhà thứ hai của các em”. Đáng quý biết bao khi bác Đặng Văn Khảm gọi đây là “một niềm vui lớn”. Bằng chính tấm lòng nhiệt thành với nghề của mình, bác đã thật sự thắp lên trong những mầm thơ trẻ cái tình yêu nồng nàn với sách, đồng thời, cũng truyền đến mọi người cái ý thức trách nhiệm trong việc chung tay giữ gìn và phát triển văn hóa đọc ở thư viện Hải Hậu. Góp một phần sức cho xã hội Việt Nam thêm văn minh, giàu đẹp.
Và Bác Đặng Văn Khảm chỉ là một trong rất nhiều những viên ngọc ánh ngời của nhân cách được tác giả được tác giả cần mẫn, nhặt nhạnh về đặt trân trọng giữa trang sách. Còn có một “Cô giáo người Tày giỏi nghề thư viện” – một bông hoa xinh đẹp của núi rừng Tây Bắc và câu chuyện địu sách lên vùng cao. Còn có một “Tâm tình với người giữ sách” thầm lặng và lắng sâu. Còn có “Người cựu chiến binh say mê công tác thư viện”, trở về từ bom đạn vẫn mong muốn “góp thêm chút gì cho cuộc đời”. Là một “Tủ sách trên vai” gọi tên kỳ tích. Là thứ “Hạnh phúc lớn lao” của những người trót nhận đức tin từ con chữ… Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép, mỗi mảng đời đẹp đẽ, góp vào bộ mặt chung của những người làm công tác thư viện Việt Nam.
Đọc về cuộc đời, về nghề nghiệp mà họ hằng mang, tim tôi chợt vang lên câu hát: “Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui” (Trịnh Công Sơn). Phải! Mỗi ngày tỉnh giấc, với những con người ấy, họ chọn sách làm lẽ sống thiêng liêng.
Niềm vui của những người làm công tác thư viện được viết lên trên trang sách chính là mang sách đến phục vụ mọi người, đem văn hóa đọc đến khắp muôn nơi, gieo mầm tri thức để những con chữ được đâm chồi nở hoa. Và rồi niềm vui ấy được đáp lại bằng tình cảm của những người đọc, những người biết trân trọng, quý yêu sách. Đọc sách để thêm yêu, thêm tự hào về những người thầm lặng gieo mầm tri thức, để hiểu hết giá trị những việc làm của họ để từ đó mỗi chúng ta góp một phần công sức nhỏ bé đáp lại tấm lòng của những “người giữ lửa tình yêu với sách”. Riêng tôi, tôi sẽ tiếp tục là người bạn, người đồng hành, cùng tiếp thêm ngọn lửa tình yêu với những cô thư viện để được trưởng thành hơn. Tôi ước mình sẽ là những quả ngọt của những mầm tri thức mà chính các cô đã âm thầm gieo hạt.