Có những câu chuyện đọc rồi sẽ quên, nhưng cũng có không ít câu chuyện để lại ấn tượng khó phai, là tiền đề, mục đích, lý tưởng hướng con người đến những điều tốt đẹp ngay lần đầu chúng ta đọc. “Ở một thư viện vùng Đồng Tháp Mười” là câu chuyện như thế. Đó là một câu chuyện nằm trong quyển sách “Những người giữ lửa tình yêu với sách” của tác giả Nguyễn Hữu Giới mà tôi từng đọc.
Tôi vô tình tìm thấy trong những ngày chìm đắm trong công nghệ, trong mạng xã hội xô bồ, tấp nập của những con người. Câu chuyện thu hút tôi bởi cái tên của nó. Sẽ là như thế nào nhỉ? Hình ảnh về một vùng đất ngập nước, cùng với những con người chất phác, lương thiện nhưng ít được học hành. Vậy một thư viện vùng sâu sẽ như thế nào? Câu chuyện đã kích thích trí tò mò của tôi như thế, buộc tôi phài mở ra xem. Và nó khác hoàn toàn với những gì tôi nghĩ. Đó là “sân đầy chật những chiếc xe, nhìn các em học sinh vốn ồn ào, hiếu động, đang chăm chú, say mê lật từng trang sách. Qua lời kể chân thành, mộc mạc của chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng, cũng là người đang công tác tại thư viện này, tôi mới cảm nhận được tấm lòng nhiệt thành của những người giữ sách, mà đối với tôi, tôi xin được gọi họ là những “người giữ lửa”.
Đó là một thư viện vùng sâu của tỉnh Long An, nằm trong vùng trũng vùng Đồng Tháp Mười mỗi năm một mùa nước nổi. Xuyên suốt câu chuyện là những kỷ niệm, hồi tưởng lại một thời khó khăn, những thiếu thốn, nhưng lại không thể thiếu những niềm vui, hạnh phúc và một chút tự hào. Chị kể về những ngày đầu mình về đây, với biết bao bỡ ngỡ. Cùng với những khó khăn khi nước ngập, người thì lạ, cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ. Còn là phận nữ nhi bất tiện nhiều thứ. Chị không giấu một thứ gì. Nghe như một lời kể khổ, nhưng lúc sau lại bật lên niềm vui sướng và hãnh diện biết bao. Khi một thư viện nhỏ bé trong vùng sâu chỉ khoảng 700 người, nhưng những con người ấy lại trở thành tri âm, tri kỷ. Con người giữ lửa nhiệt thành ấy, lại đôi lúc hỏi ngây ngô: “Cũng không biết có phải vì quá yêu nghề hay không mà lại gắn bó với nghề thư viện, với mảnh đất này lâu như vậy?”.
Trong lời kể mang con người ta như đi về khung cảnh vung quê Nam Bộ ngày nào, khi công nghệ chưa thịnh hành, những con người hiền lành chỉ biết làm bạn với sách. Gắn với đó là hình ảnh “người giữ lửa” cố gắng sắp xêp hoạt động vừa phục vụ bạn đọc, giúp người ở xa thư viện vẫn có cơ hội mượn tài liệu để đọc, tham khảo, giải trí. Hay hình ảnh Trưởng Ấp văn hóa đi xin cây về đóng giá sách, có anh thì dùng mặt trong của bục để nói chuyện cũ đóng thành ngăn đựng sách để giới thiệu và phục vụ bà con, hoàn toàn tự nguyện, không tiền lương, không bất kỳ một khoảng bồi dưỡng, thù lao nào mới biết họ nhiệt huyết biết bao… Lời kể giản dị như thế, nhưng lại đi sâu vào trong lòng tôi, cho tôi thấy những con người nhiệt huyết với nghề, không vì khổ cực, khó khăn mà từ bỏ thư viện vùng sâu này. Điều này để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi, tôi càng hiểu và yêu quý những cô thủ thư ngày ngày làm cầu nối tri thức, một công việc tuy âm thầm nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc.
Không chỉ vậy, đó còn là tình yêu sách vô bờ bến, với những lo toan để bảo quản sách cho khỏi ướt khi mùa nước lên, để có thể làm tròn công tác phục vụ người đọc. Và họ luôn nhớ đến việc tuyên truyền sách, báo của Đảng, để người dân luôn nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt quyền làm chủ của mình, cùng nhau xây dnwgj và hoàn thiện một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Những điều đó có vẻ nhỏ nhặt thôi, những hành động đơn giản thôi, nhưng lại làm ấm lòng biết bao nhiêu nhười đọc và yêu sách. Bởi có lẽ, chỉ khi thật sự yêu nghề, yêu sách mới có thể tận tâm, tận lực như thế. Để người dân có thể được đọc sách, có thể lĩnh hội kiến thức, được học hỏi và được hiểu biết nhiều hơn. Những con người giữ sách thầm lặng ấy, hiến cả cuộc đời mình trong một mái nhà đơn sơ, hằng ngày làm bạn với sách nhưng họ không chán, không buồn, không vì cái khổ mà bỏ sách. Những tấm lòng cao cả ấy, không xứng đáng được gọi là “người giữ lửa” sao?. Những cô thư viện ấy đang làm nhiệm vụ cao cả, nhiệm vụ giữ một bầu trời kiến thức, một vùng đất tâm hồn của con người.
Khi sách đang dần thay thế bằng những con chữ thu nhỏ trên thiết bị điện tử, thì ở những thư viện kia, luôn có những con người đang ân cần sắp xếp, đánh số và phân loại từng quyển sách. Khi con người đang dần lạc lối giữa mạng xã hội, bỏ quên mất cái thú vui đọc sách, đánh mất văn hóa đọc đẹp đẽ ấy, thì những con người thầm lặng ấy đang từng ngày đưa con người trở lại với truyền thống tốt đẹp ngày xưa. Họ giữ lửa, giữ những truyền thống, giữ tinh hoa, giữ những kiến thức vô tận. Bởi vì, họ luôn quan niệm rằng: “Văn hóa đọc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế xã hội”. Có lẽ, những tấm lòng nhiệt huyết ấy đã đánh thức tôi ra sự lôi cuốn của mạng xã hội tràn lan, làm thức tỉnh tôi, cho tôi cảm động không thôi, và trở lại với việc đọc sách tốt đẹp ngày nào.
Có lẽ, ai đã một lần đọc qua quyển sách cũng sẽ có những suy ngẫm để rồi quý trọng, để rồi thêm yêu, thêm quý những “người giữ lửa tình yêu với sách”. Và nếu ai đã từng đọc qua câu chuyện “Ở một thư viện vùng Đồng Tháp Mười” sẽ không khỏi cảm phục trước từng việc làm của cô thủ thư nơi vùng đất xa xôi ấy. Để từ đó, tạo cho mình thói quen đọc sách, trân trọng nghề thư viện và cùng chung tay xây dựng thư viện để thường xuyên đọc được nhiều quyển sách hay./.