Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm "Những người giữ lửa tình yêu với sách" (6)

Cảm nhận về tác phẩm "Những người giữ lửa tình yêu với sách"

BÀI ĐẠT GIẢI II CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"
Cảm nhận về tác phẩm “Những người giữ lửa tình yêu với sách
(Họ tên: Trần Võ Phương Nhi – Lớp 10SV, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu)

          Có những quyển sách đọc rồi sẽ quên đi. Thế nhưng cũng có rất nhiều quyển sách khiến bạn phải dành ra khoảng thời gian của cả một cuộc đời để nhớ về nó. Cuốn sách hay có thể thay đổi con người của bạn, và tôi rất may mắn khi có cơ hội đọc được quyển: “Những người giữ lửa tỉnh yêu với sách” của Nguyễn Hữu Giới tuyển chọn. Trong đó, có một câu chuyện nhỏ mà tôi rất tâm đắc về khao khát đọc sách và cách những người chiến sĩ tự đi tìm nguồn kiến thức cho mình. Câu chuyện nhỏ với một cái tên rất ấn tượng: “Con đường phát triển tủ sách trên vai” của đồng chí Đại tá Hoàng Cơ Quảng.

          Bắt đầu từ tên câu chuyện tôi đã rất tò mò về cái tủ sách trên vai mà tác giả đề cập đến, những câu hỏi tôi đã đặt ra: “Cái tủ to chừng bao nhiêu?”, “Tại sao phải mang tủ trên vai?”, “Mang theo để làm gì?”…. Để rồi tôi đã nhận được câu trả lời theo một mạch cảm xúc không thể nào diễn tả thành lời.

          Trong thời kháng chiến chống Mỹ, để có thể khuân cái tủ sách và thư viện trong doanh trại thời bình đi theo bộ đội trên khắp nẻo đường hành quân, chiến đấu là một việc làm tưởng chừng không thể diễn ra được. Thế nhưng, nỗi khát khao của những chiến sĩ khi họ nhận thấy rõ việc đọc sách, báo là vô cùng cần thiết. Tôi có một ấn tượng rất sâu sắc và câu nói tế nhị của chiến sĩ Thái ở phân khu X: “Ai đã từng chịu ăn nhạt hằng tháng mới thấy hết cái quý của hạt muối biển. Chúng ta đã hằng tháng liền chiến đấu tại phân đội nhỏ, thiếu sách báo, càng thấy giá trị của một tờ báo dù rất mỏng”. Chính những thiếu thốn đó, những chiến sĩ của chúng ta đã nghĩ ra rất nhiều sáng kiến hay để có được những quyển sách bên mình. Hình ảnh đẹp của người quản lý Đới ở đại đội Y bên đòn gánh lương thực và ba chục cuốn sách, rồi phân phối dùm lương thực và sách cho bộ đội ta. Việc đọc chưa dùng lại ở ba chục cuốn sách mà quản lý Đới mang theo, một quy mô chuẩn bị cho món lương thực tinh thần ở chiến khu cũng được hình thành.

          Tôi nhận thấy rõ sự nâng niu và trân trọng của các anh đối với từng cuốn sách một, đối với những tri thức khó khăn mới có được ở nơi an toàn là bom đạn của chiến tranh. Sách theo đôi chân vạn dặm của người chiến sĩ, từ lưng đèo đến bờ suối, từ chiến trường đến nhà nghỉ đồng bào… “Tủ sách trên trên vai” người chiến sĩ, có nhiều tủ còn được thành lập trong hang đá, trên mâm pháo, ngoài bến phà, trên sân bay…

          Thế nhưng, kiến thức là vô hạn, con người làm sao có thể học hết những kiến thức tinh túy trong đó? Bấy nhiêu sách như thế làm sao thảo mãn được hết ham muốn được học, được đọc, được biết của lực lượng bộ đội đông đảo lúc bấy giờ? Các anh đâu thể dễ dàng từ bỏ “người bạn tri thức” chỉ cho đi mà không nhận lại này. Một lần nữa, ngọn lửa của tinh thần học tập đã biến cao những người chiến sĩ trở thành nhà xuất bản, nhà phát hành, nhà lưu trữ ấn phẩm, đọc giả tích cực và kiêm luôn việc giới thiệu sách. Ngay trong nhà giam tù chính trị, Đảng ta đã biến nơi đây thành Trường Đại học Cách mạng. Các đồng chí ở đây miệt mài học tập và trao dồi kiến thức cho mình, những con người ấy đã tìm ra nhiều cách để bảo vệ nguồn tư liệu từ nhà giam này đến nhà giam khác. Không việc gì có thể làm khó ta nếu ta biết vượt qua cái rào cản đó.

          Qua đó, khẳng định ý thức tự giác học tập và rèn luyện, trau dồi kiến thức dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ những nỗ lực, những sáng kiến, những con đường mà tri thức đến với chiến sĩ bộ đội đã khơi dậy trong tôi niềm đam mê đọc sách.  Đọc sách chính là trải nghiệm của việc gặp những người thành công nhất trong những thế kỷ qua và ở khắp mọi nơi trên thế giới rộng lớn này. Đọc để biết vì sao sự học là một quá trình của cả đời người. Trong thực tế, có rất nhiều người chưa tìm thấy giá trị của từng loại sách, chưa thấy sự cần thiết của việc đọc sách, quả là một điều đáng tiếc.

          Chúng ta hiện tại rất may mắn khi các tỉnh đa số đều có thư viện và thậm chí mỗi trường đều có thư viện. Như tấm gương của Đới, những “Chuyến xe tri thức” của Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã hành trình đi khắp các nẻo đường vùng sâu, vùng xa mang đến những cuốn sách hay, những thông tin giá trị, bổ ích. Mọi công tác tuyên truyền, những buổi giới thiệu sách được diễn ra thường xuyên để độc giả có thể nắm bắt thông tin với những tựa đề nổi bật, nhằm khơi dậy tình yêu với sách, phục vụ, tạo cơ hội để người dân tiếp cận với sách, với những kiến thức thuộc nhiều thể loại khác nhau rất cần thiết cho cuộc sống người dân.

          Vậy, hội tụ những điều kiện đầy đủ về vật chất và những cơ hội như thế này thì tại sao ta không đọc sách một cách hiệu quả, để biến những kiến thức trong sách trở thành kiến thức của chúng ta. Tôi nghĩ tại sao chúng ta không gối một cuốn sách hay dưới gối nằm để ngày ngày có thể tự nghiên cứu ý nghĩa của quyển sách đó, tự ý thức được trách nhiệm của mình. Cảm nhận được hết giá trị việc làm của nhân vật trong câu chuyện, tôi tự nhủ lòng mỗi ngày dành một ít thời gian sau giờ học để đọc sách để tích lũy kiến thức, kỹ năng cho bản thân, để giúp mình trưởng thành hơn và mạnh mẽ hơn và cũng không để phí những giá trị tinh hoa nhân loại đã được chắt lọc và lưu truyền. Cũng như Bác Hồ có câu: “Đọc được nhiều sách tốt, nhưng nếu không đem áp dụng vào thực tiễn cuộc sống thì chẳng khác nào “cái hòm đựng sách”./.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.