Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm "Những người giữ lửa tình yêu với sách"

Cảm nhận về tác phẩm "Những người giữ lửa tình yêu với sách"

BÀI ĐẠT GIẢI III CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"

Cảm nhận về tác phẩm “Những người giữ lửa tình yêu với sách
(Họ tên: 
Trần Anh Thư – Lớp 10T, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu)

          “Sách là món quà duy nhất có thể mở ra nhiều lần”. Thật vậy, sách là một sản phẩm của xã hội văn minh, một khái niệm mở bao gồm những hình thức và nội dung phong phú khác nhau. Mỗi cuốn sách đều là một kho tàng tri thức vô cùng quý giá mang lại cho xã hội loài người sự mới mẻ trong việc khám phá thế giới cũng như biết bao điều kì thú trong cuộc sống. Và tất nhiên, dù là thời đại nào thì chúng ta cũng cần có những người cán bộ thư viện trông nom, quản lí sách để chúng ta có thể tìm được một quyển sách cần thiết và bổ ích cho nhu cầu của mỗi cá nhân. Để biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực thư viện, Bộ Văn hoá-Thông tin đã xuất bản quyển sách “Những người giữ lửa tình yêu với sách” do Nguyễn Hữu Giới sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu. Bật lên là câu chuyện “Tâm tình với người giữ sách”- một câu chuyện nhẹ nhàng mà sâu lắng gợi lên trong ta những suy nghĩ mơn man về công việc thầm lặng này - nghề thư viện.

          Đây là quyển sách đầu tiên viết về những tấm gương tiêu biểu của người làm công tác thư viện Việt Nam. Quyển sách giới thiệu đôi nét chân dung một số đồng nghiệp thư viện với mong muốn là làm sao đưa được nhiều sách tốt, sách hay tới tay bạn đọc và nhen nhóm, thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu đến với sách. Sách dày khoảng 200 trang, gồm 24 câu chuyện. Sách có bìa màu xanh lá tạo cho người đọc cảm giác bắt mắt, dễ chịu, thoải mái, cuốn hút người đọc vào từng trang sách với những tấm gương cống hiến qua những câu chuyện kể hay những lới tâm tình về nghề cán bộ thư viện. Để lại trong tôi những ấn tượng vô cùng đặc biệt là câu chuyện “Tâm tình với người giữ sách”.

          Câu chuyện xoay quanh những vấn đề mà ta dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày để tô đậm hơn vẻ đẹp trong tâm hồn và tính cách của người cán bộ thư viện. Chuyện kể về hai nhân vật: chị thủ thư và cô giáo trẻ dạy môn Ngữ văn. Khi còn là học sinh cấp ba thì những quyển sách mà cô mượn được ở thư viện đã trở thành những người bạn thân thiết của cô giúp cô được mở rộng kiến thức, dần dần cô trở thành một độc giả thường xuyên của thư viện và chính thái độ phục vụ ân cần của các anh chị thủ thư đã lưu lại trong cô những tình cảm tốt đẹp.

          Như chúng ta đã biết, nghề thư viện là một nghề bình dị lặng thầm mà thật cao quý, góp thêm sức lực nhỏ bé của mình cho tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Người cán bộ thư viện với tấm lòng say mê nghề nghiệp, với sức mạnh tiềm ẩn đã không ngừng phấn đấu vươn lên, tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

          Chính câu chuyện “Tâm tình với người giữ sách” đã làm cho ta hiểu hơn về nỗi lòng của những người cán bộ thư viện thông qua lời kể của cô giáo dạy văn. Người cán bộ lặng thầm hoàn thành nhiệm vụ, lặng thầm tiếp thêm ngọn lửa tình yêu với sách đến từng bạn đọc. Và tất nhiên họ yêu mến công việc của mình hơn bao giờ hết. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, gợi tên trong ta những suy nghĩ mơn man về người cán bộ thư viện. Không ồn ào hay phô trương mà là họ chỉ mong muốn đưa đến tay bạn đọc những quyển sách hữu ích, góp phần nâng cao hệ thống thư viện trên cả nước.

          Chắc có lẽ người cán bộ thư viện sẽ cảm thấy vô cùng tự hào và quý trọng công việc này hơn bao giờ hết mặc dù thu nhập khá khiêm tốn bởi lẽ khi trao đổi với nhiều bạn đọc thì người cán bộ sẽ trở nên năng động, linh hoạt và có thêm nhiều kỹ năng về tâm lý của con người hơn đồng thời sẽ đưa ra được nhiều giải pháp để thu hút bạn đọc cũng như làm tăng vòng quay lượt mượn tài liệu. Ngọn lửa của tình yêu sách luôn bùng cháy trong trái tim của người cán bộ thư viện, họ truyền cảm hứng, truyền tình yêu của mình đối với sách qua nhiều thế hệ.

          Hơn thế nữa, người cán bộ thư viện không chỉ là người giữ sách mà còn là người mang tri thức đến cho chúng ta-những người bạn đọc. Nghề thư viện cũng có những giá trị tinh thần đem lại cho bạn đọc. Một trong những điều tuyệt vời nhất đó chính là tạo ra các tác động tích cực trong cộng đồng. Vâng, người cán bộ có thể tiếp lửa cho bạn đọc khi họ phải có tâm huyết với nghề, có như vậy họ mới cảm nhận được cái hay, cái đặc thù của công việc này-một công việc đóng vai trò không nhỏ cho sự tiến bộ của xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

          Là một học sinh, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần phải yêu quý và kính trọng các cô chú cán bộ thư viện hơn. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng cảm phục và mến yêu hơn những con người và nghề thư viện “lặng thầm mà bình bị”. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số bạn vẫn chưa thật sự tôn trọng các cô chú cán bộ thư viện - chính sự thiếu tôn trọng sẽ làm cho bạn mất đi những phẩm chất cao quý của chính bản thân mình. Mỗi chúng ta cần phải phê phán, chê trách những bạn có những hành vi như thế vì những người cán bộ thư viện xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá-tư tưởng.

          Trong mỗi chúng ta, ai ai cũng đã từng đọc một cuốn sách để rồi “gặm nhắm” nó đến say mê mà quên cả giờ giấc và tôi cũng thế. Chính quyển sách “Những người giữ lửa tình yêu với sách” đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về nghề thư viện trong tôi với những con người nổ lực để không ngừng thu hút bạn đọc hiện tại mà còn thu hút cả những bạn đọc tiềm năng. Đó cũng chính là mong ước, là nguyện vọng của những người làm nghề văn hoá nói chung và nghề thư viện nói riêng./.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.