“Một người không đọc sách chẳng hơn gì kẻ không biết đọc” là một lời khuyên tuyệt vời từ người viết tiểu thuyết và nhà diễn thuyết người Mỹ nổi tiếng – Mark Twain. Ngày xưa, khi con chữ chưa được phổ biến rộng rãi, con người hầu như chỉ học tập truyền miệng từ đời này sang đời khác, thời này sang thời khác. Nhưng xã hội ngày nay đã tiến bộ, đa số mọi người trên thế giới đều biết chữ và sách chính là một trong những phương tiện hữu ích để đưa con người đến với thời kỳ văn minh.
Nhờ sách, ta có được kiến thức, kỹ năng ứng dụng trong công việc, có được những kinh nghiệm bổ ích phục vụ cho đời sống hằng ngày. Không những thế, đọc sách còn là phương pháp tự học tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì thế, đó là con đường mà các vị Đại tướng, nhà giáo lỗi lạc như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các giáo sư: Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Hoàng Tụy… đã chọn. Họ chính là tấm gương sáng để chúng ta noi theo, đó cũng là những cái tên sáng giá được nêu trong tác phẩm “Những tấm gương ham học và tự học của thời đại Hồ Chí Minh” của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà.
Trong tác phẩm, tác giả dành nhiều trang viết nhất để nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với đọc sách và tự học, tiếp theo đó là những bài viết về sáu tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh. Tuy mỗi người thành công trên một lĩnh vực khác nhau, song họ đều có một điểm chung ở việc học. Thả lòng mình trên từng trang sách, ghi nhớ từng câu từng lời, từng nội dung giáo dục sâu sắc. Tôi lại ấn tượng nhất về tinh thần tự học của Giáo sư Tạ Quang Bửu.
Đọc “Tạ Quang Bửu – Một thiên huyền thoại về tự học và ham đọc sách” tôi hiểu thêm rằng: Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910-1986), nổi tiếng là người tài cao, học rộng, giỏi ở hầu hết các lĩnh vực như Toán học, khoa học máy tính và thông tin, vật lý, hóa học, khoa học trái đất và môi trường, sinh học và khoa học tự nhiên khác. Tài giỏi như thế, nhưng giáo sư không màng đến bằng cấp mà đặc biệt quan tâm đến thực học. “Năng lực tự học của anh Bửu gần như là một thiên huyền thoại” – lời nhận xét quý giá từ Giáo sư Lê Văn Thiêm – Nguyên Viện Trưởng Viện Toán học Việt Nam.
Hầu như, ở mỗi chúng ta trong cuộc đời học đều tự đặt cho mình câu hỏi rằng “Học để làm gì?”, và đó dường như không có một định nghĩa nào rõ ràng, bởi, với mỗi người, mục đích học là khác nhau. Và với giáo sư Tạ Quang Bửu học là để biết, để làm việc chứ không phải học để lấy bằng cấp. Đó chính là một phương châm học tích cực, bởi nó tạo cho người đọc một cảm giác tự do, tự nguyện và tự giác. Không chỉ học các môn khoa học hay ứng dụng đôi khi hơi khô khan, khó hiểu mà học còn chính là sự tìm hiểu và phát huy thêm tài năng, sở thích của riêng mình. Như Tạ Quang Bửu, ông có thêm niềm yêu thích với ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thể thao, vì vậy, ông tranh thủ thời gian rảnh để tự học, tự tìm hiểu để thỏa mãn đam mê của mình. Nhờ đó ông phát triển toàn diện và được mọi người nể phục. Trong đó, Đại tá tình báo Mỹ (OSS), đã miêu tả: “Ông nói Tiếng Anh hoàn hảo với giọng Oxford, không lơ lớ chút nào, khiến chúng tôi sững sờ, kinh ngạc…” Không chỉ đam mê là đủ, mà để trở thành con người uyên bác như thế, giáo sự đã không ngừng học tập để tìm tòi và mở rộng vốn kiến thức của mình.
Và chiếc chìa khóa mở cánh của tự học ấy là sách. Sách là những đúc kết, những kinh nghiệm mà người đi trước đã để lại cho chúng ta. Nó như một kho tàng kiến thức khổng lồ luôn được mở rộng hằng ngày, hằng giờ và đang chờ đón chúng ta như một người bạn thân thiết. Người bạn ấy đã có mặt mọi lúc, mọi nơi khi chúng ta cần, nhưng dường như chúng ta không quan tâm đến chúng. Nhưng quyển sách và đặc biệt là những trang viết về tấm gương của giáo sư Tạ Quang Bửu giúp ta có dịp hiểu thêm về giá trị của sách và việc tự học cao lớn đến dường nào.
Bà Hoàng Kim Oanh – phu nhân của Giáo sư đã từng tâm sự về giá sách của ông trước khi mất là tổng cộng 16 giá, đặt trong 40 mét vuông trước phòng làm việc của ông và lúc nào ông cũng đọc sách. Ông thật sự quý những cuốn sách đến nỗi “Người ta thường nhắc đến một đặc quyền duy nhất của giáo sư là đặc quyền được vào tận kho sách của Thư viện Khoa học Trung ương để lục sách và quyền được đem sách về đọc ở nhà đến khi dùng xong” – lời của giáo sư Nguyễn Văn Đạo trong “Người tràn đầy tâm huyết vun đắp những tài năng cho đất nước”.
Tình yêu với sách và tinh thần ham đọc sách của Giáo sư như truyền cho ta một ngọn lửa rực sáng về tinh thần ham học hỏi. Đọc sách mọi lúc, mọi nơi, mỗi khi rảnh rỗi, mỗi khi thắc mắc muốn tìm hiểu vấn đề gì sẽ giúp chúng ta thoát khỏi sự thụ động, khuôn mẫu khi chỉ học ở trường, chỉ đọc khi thầy cô bảo và chỉ là những loại sách giáo khoa bắt buộc. Thấm thía những nội dung của quyển sách, ta hiểu rằng đọc sách chính là cách học hữu hiệu nhất, muốn trở nên thông thái, kiến thức được mở mang, mỗi chúng ta hãy tự rèn luyện tính tự giác đọc sách mỗi ngày, ngày hôm nay nhiều hơn hôm qua, ngày mai nhiều hơn hôm nay để chiếm lĩnh kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại./.