Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh" (1)

Cảm nhận về tác phẩm "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh"

BÀI ĐẠT GIẢI III CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"
Cảm nhận về tác phẩm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh ”
(Họ tên: Lê Trí Anh Tài – Lớp 11A, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu)

          Từ xa xưa, ông cha ta đã rất đề cao tầm quan trọng của sách, coi sách như gia tài đáng giá nhất mà cha mẹ để lại cho con cháu: “Để vàng để bạc chẳng bằng để sách cho con” (Ngạn ngữ Việt Nam ). Danh ngôn thế giới cũng ghi nhận sự quý báu không thể thiếu của sách đối với đời sống tinh thần của con người, chẳng hạn, ví sách như bánh mì của tinh thần, ví căn nhà không có sách giống như cơ thể không có linh hồn, coi sách là người bạn tốt nhất, đặc biệt là một cuốn sách tốt được coi như một người bạn chân thực không bao giờ phản bội. Có những câu chuyện đọc rồi sẽ quên. Nhưng cũng không ít câu chuyện đã để lại ấn tượng khó phai, là tiền đề, mục đích, lí tưởng và là bệ phóng hướng con người tới những chân trời tương lai mới. “Tấm gương hiếu học, yêu đọc sách của ông vua vũ khí ” trong quyển sách “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh ” của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà là một câu chuyện như vậy.

          Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, hiện là Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà cũng chính là tác giả của cuốn sách “ Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”. Tác phẩm viết về Bác Hồ và 6 nhân vật lỗi lạc thời đại Hồ Chí Minh gắn với việc đọc và từ học suốt đời, đã ra mắt đúng dịp cả nước tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam 21/4. Cuốn sách gồm 204 trang do Nhà sách Tân Việt và Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông liên kết sản xuất.

          “Tấm gương hiếu học, yêu đọc sách của ông vua vũ khí” là một câu chuyện rất hay nằm trong quyển sách kể trên. Câu chuyện kể về Giáo sư Trần Đại Nghĩa, người được Hồ Chủ tịch gọi là “một đại tri thức ”, một “anh hùng lao động trí óc” đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam với cái tên “Ông vua vũ khí”. Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ nhỏ, ý thức về hoàn cảnh gia đình nên ông luôn cố gắng và đã thi vào trường trung học ở Mỹ Tho với kết quả cao, nhận được học bổng của trường sau đó ông đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Mỹ Tho. Năm 1930, ông thi đỗ vào trường trung học đệ nhị Petrus Ký ở Sài Gòn. Trong năm 1933, ông đã đỗ đầu hai bảng tú tài: tú tài Việt và tú tài Tây. Đỗ cao như vậy nhưng vì nhà nghèo, không có tiền học tiếp nên ông quyết định đi làm giúp mẹ và giúp chị. Vừa làm ông vừa tranh thủ trau dồi thêm tiếng Pháp. Nhìn thấy cảnh cơ hàn của người dân mất nước, cảnh Phạm Hùng bị bắt, cảnh những chiến sĩ yêu nước bị giam cầm, ông đã hạ quyết tâm và thầm nuôi mơ ước sang Pháp du học tìm hiểu về phương pháp chế tạo vũ khí. Cuối cùng ông được nhà báo Dương Quang Ngưu – một Việt kiều từ Pháp về - đã vận động Hội Ái hữu trường Chasseloup Laubat cấp cho học bổng học tại Paris.

          Ngày 5-9-1935, ông tạm biệt mẹ và chị tại Bến Nhà Rồng, lên thuyền đi du học Pháp. Sau những khó khăn trải qua, ông tốt nghiệp kĩ sư và cử nhân toán học, sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu máy bay. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí. Cuối tháng 5-1946, theo lời mời của chủ tịch Hồ Chí Minh, ông cùng với một số trí thức yêu nước tình nguyện theo Bác về Việt Nam làm cách mạng, ông sẵn sàng từ bỏ mức lương 20 lạng vàng 1 tháng. Ngày 5-12-1946, ông được Bác giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới Bộ quốc phòng và đặt cho bí danh là Trần Đại Nghĩa. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong điều kiện hết sức khó khăn, bằng sự nổ lực và sáng tạo tuyệt vời, cùng với cán bộ - công nhân ngành quân giới, nhiều loại vũ khí mới ra đời: súng Bazooka, súng không giật (SHZ), bom bay… Hiệu quả đã làm kinh ngạc giới quân sự các nước phương Tây.

          Ông đã gánh vác nhiều cương vị quan trọng: Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kĩ thuật nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương, Viện trưởng đầu tiên của Viện khoa học Việt Nam, Chủ nhiệm báo khoa học và đời sống… Ông được phong hàm Thiếu tướng trong đợt đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1948. Năm 1952, là trí thức đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Viện Hàn lâm khoa học Liên xô đã trao cho ông danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm vào năm 1967. Năm 1996, ông vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về những công trình nghiên cứu và chỉ đạo kĩ thuật chế tạo vũ khí.

          Qua câu chuyện trên cho ta thấy được tầm quan trọng của việc tự học và yêu đọc sách. Chúng là một trong những con đường của học vấn, của tri thức nhưng con đường ấy là con đường quan trọng và cốt yếu của học vấn và tri thức, vì từ việc tự học và đọc sách ta không những rèn luyện được đạo đức, tính sáng tạo và khả năng tư duy, tiếp nhận những giá trị vật chất lẫn tinh thần của cuộc sống mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại: học vấn, vốn tri thức. Chắc chắn rằng, tấm gương hiếu học vượt khó và yêu đọc sách của giáo sư Trần Đại Nghĩa sẽ còn tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ về nghị lực và sự dấn thân vì khoa học, quyết tâm nghiên cứu và gắn khoa học với đời sống thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Và với riêng tôi, câu chuyện như càng thắp thêm ngọn lửa nung nấu ý chí tự học, tự đọc, tự nghiên cứu bởi việc học việc đọc không bao giờ có điểm dừng. Tất cả tri thức, kỹ năng có được là nhờ vào nhiều con đường khác nhau, song việc học và đọc vẫn là nền tảng, vẫn là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu./.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.