Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh" (2)

Cảm nhận về tác phẩm "Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh"

BÀI ĐẠT GIẢI III CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"
Cảm nhận về tác phẩm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh”
(Họ tên: Nguyễn Lý Phương Thanh – Lớp 10AV, Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu)

          M.Go-rơ-ki đã từng nói : “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Thực vậy, sách mang đến cho ta bao điều mới lạ, dạy ta cách làm người, đối nhân xử thế, dạy ta biết đứng lên sau mỗi lần vấp ngã, dạy ta biết yêu thương và cả tinh thần tự học bất diệt. Dân tộc ta từ xa xưa đã có biết bao tấm gương ham đọc sách, tự  học như: Tôn Thất Tùng, Hồ Chí Minh, Hoàng Tụy, Tạ Quang Bửu... Nhưng có lẽ để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là Hoàng Tụy – người mà em chỉ biết cách đây ít hôm qua mẩu chuyện : “Con đường dẫn đến thành công của nhà toán học Hoàng Tụy”, trích trong quyển “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” của tác giả Vũ Dương Thúy Ngà.

          Lớn lên trong một gia đình nho gia danh vọng ở Điện Bàn, Quảng Nam. Hoàng Tụy từ nhỏ đã ham đọc sách và niềm đam mê ấy đã theo ông đến ngày hôm nay.Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã rất có khiếu về văn học Pháp,song song đó tài năng toán học cũng dần được bộc lộ. Khi đã trưởng thành ông trở thành một nhà toán học lớn của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới với “Lát cắt tụy” và nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh (1936), Giải thưởng Phan Chu Trinh (2010) và vinh dự nhất khi ông là người đầu tiên trên thế giới được Giải thưởng cao quý Constantin Caratheodory. Sau đó ông lại tiếp tục được phong tặng Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linkoping (Thụy Điển) và Đại học Rouen (Pháp). Bí quyết nào để ông đạt được những thành tựu to lớn đó, không nào khác chính là tinh thần ham đọc sách và tự học.Sách như người bạn từ thuở ấu thơ, nó theo ông qua bao chặng đường đầy gian nan, khổ cực nhưng đến một ngày nào đó nó lại giúp ông tỏa sáng.

          Từ xa xưa, sách vở đã trở thành một công cụ lưu giữ thông tin cần thiết của con người. Sách dạy ta lịch sử,văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc. Sách cho ta biết được cội nguồn, gốc gác của bản thân. Sách hình thành trong ta nhân cách sống và tâm hồn cao quý. Sách dạy ta biết yêu thương như tình yêu dạt dào của ông Sáu dành cho bé Thu trong tác phẩm Chiếc lược ngà hay lòng yêu làng, yêu kháng chiến mãnh liệt như ông Hai qua truyện Làng. Sách vụt dậy ta sau những lần vấp ngã ,định hướng ta đến những thành công qua Nghĩ giàu làm giàu. Sách là nguồn tri thức bất tận, chứa đựng bao điều thú vị trong cuộc sống.Tất cả những điều đó thật rất đáng để ta đọc sách. Các bạn có biết sách còn rèn tư duy độc lập của bản thân,giúp ta dễ dàng tiếp thu kiến thức trong một thời gian ngắn,khai thác tri thức một cách hợp lý nhất. Hơn nữa đọc sách còn cỗ vũ lòng kiên trì,chịu khó của bản thân. Đâu phải cứ đọc một vài trang sách là đủ, đọc vài trang thôi để trở thành nhà bác học. Mà ta phải tích lũy dần dần một lượng tri thức khổng lồ của nhân loại. Các bạn có biết, xã hội loài người sẽ không tồn tại nếu cứ dậm chân tại chỗ, không chịu tư duy sáng tạo ra nhiều cái mới. Chính vì thế nếu không có đủ lượng tri thức ta sẽ trở nên lạc hậu, không theo kịp thời đại. Hoàng Tụy đã rất thấu hiểu điều đó, số lượng sách ông đọc nhiều không thể tả nổi, thậm chí để đọc được sách nước ngoài, ông còn bỏ thời gian ra học ngoại ngữ. Bởi lẽ ông biết rằng luôn luôn học hỏi,luôn luôn tìm tòi là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Và tất nhiên con đường ấy không thể thiếu một cụ đặc biệt quan trọng đó là sách.

          Em vẫn còn nhớ như in lời ông mong mỏi: “học sinh,sinh viên và giới trí thức cần chú tâm hơn đến đọc sách và tự học. Và không nên chỉ đơn thuần quan tâm đến sách chuyên môn hẹp, mà phải đọc rộng và đọc thêm sách về văn học nghệ thuật và các vấn đề xã hội khác”. Hiện nay, tâm thế chung của nhiều phụ huynh cứ bắt ép con em mình học thêm mà chưa nhín ít thời gian để giáo dục con đọc sách, tự học. Từ đó, khiến cho quá trình tự khai thác tri thức của học sinh, sinh viên bị trì trệ, thụ động,không sáng tạo. Bên cạnh đó, đa số chỉ chú tâm đến sách chuyên môn hẹp của bản thân mà không biết đọc thêm các thể loại sách khác. Chúng ta nên biết rằng kiến thức là biển cả bao la, cứ học chuyên sâu một ngành thì làm sao ta theo kịp thời đại, làm sao ta có thể phát triển. Chính vì thế, việc học rộng, đọc thêm sách là điều vô cùng cần thiết.Chẳng hạn như ta thường đọc sách khoa học, chính trị, xã hội những sẽ có lúc chán nản vì quá khô khan, không có điểm nhấn, chính lúc này đổi sang sách văn học là điều tuyệt vời, nhờ nó mà cảm thấy hứng thú hơn trong việc đọc sách mà còn học được các bài học triết lý nhân sinh, đồng thời cũng rèn luyện tính sáng tạo trong ta. Nhưng giờ đây có quá nhiều sách,ta làm thế nào để đọc. Đó là phải biết chọn lựa sách hợp lý, phù hợp với trình độ của bản thân ,với sở thích,  niềm đam mê. Nhất là không nên đọc bừa bãi nghĩa là sách gì cũng đọc,không biết đúng sai,chất lượng của sách. Chỉ cần ta có niềm tin,sự ham muốn học hỏi thì sách sẽ là một công cụ thần kỳ dẫn ta đến bến bờ hạnh phú.

          Em rất quý trọng và khâm phục Hoàng Tụy. Qua mẩu chuyện về cuộc đời và tinh thần ham học hỏi của ông đã lưu đọng trong em không ít kinh nghiệm để thành công. Bên cạnh đó, em còn thấy yêu toán học làm sao, ông đã vô tình truyền cảm hứng ấy vào trong em. Thật sự để có được thành công ngày hôm nay là những nỗ lực rất lớn của ông trong đó có sự bản lĩnh,niềm đam mê,lòng kiên trì và tầm nhìn xa trông rộng. Sách với ông vừa là người bạn vừa là người thầy cùng ông tiến bộ, cùng ông học hỏi.

          Các Mác đã từng nói: “Trong khoa học, không có con đường nào rộng rãi thênh thang cả,chỉ có người nào không sợ gian khổ,dám mạnh bước trên con đường nhỏ hẹp đầy sỏi đá đó mới có mong đạt tới đỉnh cao chói lọi của khoa học mà thôi”. Và đó chính là Hoàng Tụy, chính là tinh thần ham học hỏi,đọc sách không ngại gian khổ. Đâu phải cứ đọc sách không là giỏi mà ta phải có bản lĩnh, dám dấn thân vào sự sáng tạo mà nền tảng đó là tri thức từ sách vở. Với em, tuy con đường sẽ lắm gian lao để thành công nhưng có sách làm bạn và sự bản lĩnh thì thành công sẽ không xa lắm đâu! Nguồn tri thức vô tận từ sách sẽ trở thành vũ khí lợi hại nếu ta biết tích lũy và sử dụng một cách hợp lý. Em tin rằng sách sẽ là ngọn đèn thắp sáng lên ước mơ của em./.
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.