Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Kho tài liệu sốĐọc sách viết cảm nhậnCảm nhận về tác phẩm “Tấm gương tự học của Bác Hồ” (2)

Cảm nhận về tác phẩm “Tấm gương tự học của Bác Hồ”

BÀI ĐẠT GIẢI KHUYẾN KHÍCH CUỘC THI "ĐỌC SÁCH VIẾT CẢM NHẬN"
CHỦ ĐỀ: "HỌC TẬP THƯỜNG XUYÊN, HỌC TẬP SUỐT ĐỜI"

Cảm nhận về tác phẩm “Tấm gương tự học của Bác Hồ”
(Họ tên: Nguyễn Ngọc Quyên, Lớp: 9A4, Trường: THCS Nguyễn Chí Thanh, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

 

          Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới. Người cũng là nhà giáo dục vĩ đại của nhân dân ta. Người đã để lại cho nhân dân ta vô vàn những tác phẩm văn học và những kinh nghiệm sống đồng thời là một kho tàng về nhân cách, đạo đức, lối sống cũng như tấm gương tự học bền bỉ. Bác đã giáo dục thế hệ thanh niên cố gắng thi đua, ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện để trở thành những công dân có ích cùng nhau xây dựng nước nhà vững mạnh. Không những như thế, Bác còn là nhà quản lí giáo dục thực tiễn, nhà sư phạm tài năng, mẫu mực, trong sáng với một nhân cách vô cùng cao đẹp, hết lòng vì dân vì nước và “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”.

          Bác rất coi trọng sách nhưng với Bác đọc sách không chỉ để giải trí mà để nâng cao hiểu biết, phục vụ cách mạng với niềm khao khát là làm sao cho đất nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm khao khát ấy đã đi theo Bác suốt cuộc đời. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng là cuộc đời tự học bền bỉ. Bác có cách tự học rất đáng chú ý và là kinh nghiệm quý cho chúng ta hôm nay. Không chỉ riêng về học ngoại ngữ mà còn học về kinh nghiệm sống. Quyết định ra đi tìm đường cứu nước thì khi đặt chân lên tàu anh Ba đã tranh thủ học tiếng Pháp. Anh Ba đã bắt đầu viết báo và truyện ngắn bằng tiếng Pháp sau đó.

          Từ kinh nghiệm ngoài đời thường Bác đã nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân bồi dưỡng thế hệ cách mạng đời sau là một việc vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Người chỉ rõ mối quan hệ giữa giáo dục và cách mạng; giữa giáo dục với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

          Muốn cho dân giàu nước mạnh thì dân trí phải cao, mở trường vừa học vừa làm để tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ chiến sĩ được đi học.

          Trước khi ra đi tìm đường cứu nước Bác đã học lớp trung đẳng và cao đẳng ở Việt Nam. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, người vừa đi học vừa đi làm, cuộc sống rất đỗi bấp bênh. Bác học ngoại ngữ , học viết báo, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại có chọn lọc. Người học ở sách báo, đồng nghiệp, bạn bè, nhân dân chứ không chỉ đơn thuần là học ở trường.

          Chính lẽ đó, tác phẩm “ Tấm gương tự học của Bác Hồ” đã đem đến cho người đọc những cảm nhận hết sức sâu sắc về sự hiếu học và lòng khao khát được nhìn thấy độc lập “Bắc Nam thống nhất một nhà” của Bác bằng sự quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước và tư tưởng giáo dục thanh thiếu niên Bên cạnh đó, “Tấm gương tự học của Bác Hồ” đã, đang và sẽ là động lực thôi thúc thế hệ trẻ ngày nay nói chung và đội ngũ giáo viên, những cán bộ quản lí giáo dục nói riêng không ngừng cố gắng học tập thật tốt để không phụ niềm mong mỏi của Bác trước khi Bác ra đi.

          Chắc hẳn trong mỗi người Việt Nam chúng ta, không ai có thể quên được dạy sâu sắc của Người: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Điều đó đã góp phần khẳng định được sự quan trọng của việc học đối với tương lai của mỗi người cũng như của đất nước.

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.