Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: 'Phải làm văn hóa nở hoa nhưng bớt sâu bọ'

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: 'Phải làm văn hóa nở hoa nhưng bớt sâu bọ'

Cập nhật ngày 30/03/2023
Nội dung

          Ông Thu Lâm - cán bộ của trường Phổ thông lao động và trường Bổ túc văn hóa công nông kể rằng: Năm 1951, trường Phổ thông lao động khai giảng rồi sau đó sáp nhập với Trường Bổ túc văn hóa công nông. Nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội như Anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ tình nguyện quân trên chiến trường Lào như Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Đông Nam Á cùng một số cán bộ dân chính, con em cán bộ được dự học. Trường đã bồi dưỡng kiến thức cho trên dưới 3.500 học sinh để thi vào các lớp đại học, cao đẳng. Học viên nhà trường nhiều người sau đó đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, trong đó có Thủ tướng Phan Văn Khải.
            Bác đã đến thăm trường ba lần, vào cuối năm 1956, năm 1957 và năm 1959.
           Năm 1957 vào lúc học sinh, công nhân viên, giáo viên, cán bộ nhà trường lên tới 4.000 người, giữa mùa hè, bỗng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các vòi dẫn nước về không chảy nước. Nhà trường phải thuê xe chở nước về phân phối định lượng cho mỗi người. Vì không đủ nước nên tình hình học tập trở nên chuệch choạc, kết quả học tập sút kém, tinh thần cán bộ, học viên trở nên căng thẳng. Ban giám hiệu nhà trường cũng đành bó tay, không có cách nào giải quyết tích cực hơn.
            Việc ấy đến tai Bác.
           Một buổi sáng sớm thứ sáu, không nhớ cụ thể vào tháng nào, nhưng hẳn là giữa mùa hè năm 1957, cán bộ cơ quan bảo vệ Bác đến báo cho trường biết chiều nay Hồ Chủ tịch đến. Thế là từ ban giám hiệu, cán bộ giáo viên, học viên bỏ cả nghỉ trưa, làm tổng vệ sinh, quét dọn nhà ăn, nhà bếp, trong trường, ngoài ngõ... (Hôm ấy, sau khi ở trường về, Bác hỏi một đồng chí bảo vệ: "Chú nào để lộ bí mật cho nhà trường biết Bác đến nên "nó" mới vệ sinh nhà bếp, nhà ăn, nhà xí sạch sẽ thế!").
            Hai giờ chiều hôm ấy, Bác đến. Sau khi thăm nơi ăn, nơi ngủ, bếp núc, bể chứa, vòi nước, Bác lên thẳng hội trường. Bác không nói chuyện thời sự, tình hình gì mà hỏi ngay:
             - Ở đây, cô chú nào nhiều tuổi và hoạt động lâu năm nhất?
            Một lát sau, có một học viên người miền Nam, tóc đã hoa râm đứng lên:
            - Thưa Bác, cháu hoạt động từ năm 1930.
           Bác hỏi vặn lại:
            - Thế chú hoạt động có lâu năm hơn Bác không?
          Đồng chí "năm ba mươi" đứng như trời trồng không trả lời được. Bác ra hiệu cho ngồi xuống. Quay sang hiệu trưởng, Bác hỏi:
           - Nhà trường có bao nhiêu học viên?
           Đồng chí Nguyễn Đình Thâu là hiệu trưởng thưa:
           - Thưa Bác, có 3.600 ạ.
           Hiệu phó Lê Sơn khẳng định:
           - Dạ, thưa Bác, có 3.550 học viên ạ.
           Đồng chí quản trị nắm quân số chấm cơm lại nói:
           - Thưa Bác, đúng quân số ăn cơm là 3.512 người.
           Bác nghiêm nét mặt nói:
           - Có một con số mà mấy chú "đá nhau". Thật là "vua liêu", chứ chẳng phải quan liêu nữa.
           Bác quay về phía học viên hỏi:
           - Các cô các chú mỗi người có thể đào "cho Bác" một khối đất được không?
           Cả hội trường, nhất là học viên bộ đội đều thưa to: "Dạ, được ạ". Nhưng cũng chưa hiểu đào đất để làm gì?
           Ra hiệu cho mọi người giữ trật tự, Bác nói tiếp:
         - Cứ cho là trường có 3.500 người. Mỗi người một mét đất đào như vậy cả trường đào được 3.500 mét đất. Đào một cái giếng để có nước cần bao nhiêu mét đất?
          Bác đặt câu hỏi, nhưng cả ban giám hiệu, toàn thể nhà trường biết là Bác răn dạy về cái khoản nước rồi, ai nấy đều im lặng, như đã nhận thấy lỗi.
          Bác nói:
         - Tại sao không tự bảo nhau đào giếng lấy nước mà dùng, lại cứ ngồi kêu ca hiệu trưởng, kêu ca Đảng ủy, kêu ca Nhà nước?
         Đồng chí hiệu trưởng đứng dậy thưa với Bác sẽ thực hiện lời Bác dặn.
        "Mấy mươi năm đã qua, mà tôi vẫn nhớ mãi buổi hôm ấy chỉ một lần Bác đến thăm mà được học hai bài học sâu sắc:
        - Một là, đã làm người dân, người cán bộ, đảng viên phải lấy tinh thần phục vụ vì dân, vì nước không nên "lên mặt".
        - Hai là, trong công việc, giải quyết khó khăn, mâu thuẫn thì phương pháp rất quan trọng, có khi là quyết định. Có cách làm tốt, đúng mới thực hiện được chủ trương đường lối, giải quyết được vấn đề".
          Trên đây là ý kiến của đồng chí "năm ba mươi".

(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)
 
 

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.