Một trí thức theo đạo Phật được Bác Hồ dìu dắt đi theo cách mạng và nhờ thế mà thấy được khả năng của y học cổ truyền. Đó là bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết, nguyên trưởng Y tế Thái Nguyên trong thời kì kháng chiến chống Pháp và là hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam năm 1945.
Năm 1945, bác sĩ Thuyết được hòa thượng Đại Nguyên đến báo là "Ông cụ" đến thăm Hội Phật giáo tại chùa Bà Đá, trụ sở của Hội lúc bấy giờ.
Bác mặc bộ ka ki vàng, tay cầm chiếc mũ cát cũ, vừa đi vừa lấy chiếc mũ vẫy vẫy đáp lại câu "A di đà Phật" của tăng ni. Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe phật tử rồi lên Tam Bảo nói chuyện. Bác kể chuyện năm vị sư ở Ngũ Đài Sơn bên Trung Quốc xuống núi đánh Nhật, chuyện ma vương, chúng sinh. Bác nói ma vương là thực dân Pháp, chúng sinh là dân ta. Muốn cứu chúng sinh thoát trầm luân bể khổ phải đánh đổ ma vương.
Bác ra về, bác sĩ Thuyết nói:
- Chắc "Ông cụ" nghiên cứu cả kinh La Hiên cho nên mới hiểu đạo Phật uyên thâm đến thế.
Ít hôm sau, Hội Phật giáo làm cơm chay mời Bác dự. Trước bữa tiệc, bác sĩ Thuyết đọc một bài diễn văn dài nói về ích lợi của ăn chay theo khoa học, chứ không phải mê tín. Bác cười nói:
- Ăn chay cũng tốt, nhưng ăn thịt thích hơn. Sau này cần làm sao cho nhân dân ta được ăn nhiều thịt và ăn được nhiều mới tốt.
Khi Pháp trở mặt, rồi chiếm Khu Một, Hà Nội, bác sĩ Thuyết đã săn sóc, chạy chữa, phẫu thuật cho nhiều chiến sĩ.
Hôm được lệnh rút ra ngoài cùng một số người khác, bác sĩ Thuyết đã bò dưới gầm cầu Long Biên, sang Tứ Tổng, đến nơi an toàn. Thấy bác sĩ Thuyết, các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Trần Duy Hưng nói đùa: "Con Cụ Hồ" đã ra... Vì hay "đề cao", ca ngợi Bác nên anh em đặt cho bác sĩ Thuyết cái tên ấy.
Bác sĩ Thuyết nhớ mãi câu này và rất vinh dự, sung sướng, vì được là "con Cụ Hồ" trong khi mình là "con của Phật".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)