"Trốc" là tiếng Việt - Mường cổ có nghĩa là "trên", là "ngọn". Vùng Thạch Thành, Thiệu Yên (Thanh Hóa) ngày nay vẫn còn nói "trốc cún" (đầu gối), "trốc cây" (ngọn cây)...
"Ăn trên, ngồi trốc" bao hàm ý "ăn ở mâm trên, ngồi ở chiếu trên" cách xa quần chúng, quan liêu, quan cách, quan dạng.
Ngày 4 tháng 10 năm 1957, nhân dịp về thăm khu mỏ Quảng Ninh, Bác Hồ có nói: "Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính".
Bác đã rất nhiều lần nói: "Vào Đảng để làm đầy tớ nhân dân". Bác rất không bằng lòng khi biết tin một số cán bộ đã không làm được điều Bác dặn. Lần gặp đại biểu nhân dân Hải Phòng ngày 30 tháng 5 năm 1957, Bác nhấn mạnh rằng: "Tôi xin nói lại là, Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến các vị ủy ban đây, các Bộ trưởng, đến các cán bộ thôn, xã gọi là chính quyền, gọi là Chính phủ, đều là đầy tớ nhân dân. Không phải như khi trước nói hoàng đế, bệ hạ, rồi có những quan này, quan khác, cao cao tại thượng... Bây giờ chúng ta là dân chủ. Dân chủ là dân "làm chủ". Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì...? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải là làm quan cách mạng".
Đọc lại những dòng này, chúng ta như hình dung ra Bác rất khổ tâm, có thể là đau xót có ý trách móc nhiều người không làm đầy tớ dân mà "ăn trên, ngồi trốc", dọa nạt dân, áp bức dân, tham ô, lấy cắp của nhân dân, của Nhà nước...
Không phải đến năm 1957, Bác mới nói nhiều đến "các quan cách mạng", mà ngay từ năm 1945 khi nhân dân ta mới giành được chính quyền, Bác đã thấy trước con sâu, con mọt này, đã vạch mặt, chỉ tên chúng cho cán bộ ta thấy, biết để tránh.
Nhưng, cho đến ngày nay, bên cạnh những cán bộ thực sự là đầy tớ nhân dân, còn không ít người đã trở thành "ông chủ", "ông quan" (quan liêu, quan cách mạng, quan tham ô...), trở thành con sâu làm rầu nồi canh, trở thành những chướng ngại trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Không hiểu họ có biết bốn chữ "ăn trên, ngồi trốc", có nhớ bốn chữ ấy của Bác không?
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)