Trong kho tàng lưu trữ của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có một bài báo viết trên một tờ giấy "tiết kiệm" (là những tờ giấy Bác Hồ tận dụng các giấy tờ mà anh em đã "bỏ đi"). Bài báo đánh số 153111, kèm theo mấy chữ "đăng 21 tháng 1 Chưa rõ vào năm nào, nhưng chắc chắn là trong kháng chiến chống Pháp và theo dự đoán có thể đăng ở Báo Cứu quốc hoặc báo Nhân dân.
Bài báo như sau:
"Các đồng bào điền chủ gương mẫu.
Tục ngữ có câu: "Có nước thì có đất".
Nước đây là nước nòi, nước nhà, chứ không phải là nước sông, nước giếng.
Nhiều đồng bào điền chủ đã hiểu như vậy và hăng hái hiến đất ruộng cho kháng chiến.
Đây là vài ví dụ:
Ở Bắc: Ông bà Nguyễn Đình Thiện hiến hơn 2.000 mẫu. Ông bà Đỗ Thúc Phách 600 mẫu...
Ở Trung: Tôi không biết rõ, xin đồng bào và cán bộ cho biết.
Ở Nam: 300 đồng bào điền chủ đã hiến 24.500 mẫu, trong đó miền Tây nhiều hơn. Theo báo cáo số ruộng cộng tất cả đã đến 40.000 mẫu. Một điều đáng quý nữa là các điền chủ Hoa kiều cũng hiến ruộng để tỏ lòng ủng hộ kháng chiến...
Phong trào hiến ruộng ở Nam bộ do ông Huỳnh Thiện Lộc (cựu Bộ trưởng Canh nông, nay đã mất rồi) xung phong trước nhất. Đó cũng là một đặc điểm trong cuộc kháng chiến của Việt Nam. Nó chứng tỏ rõ rệt sự toàn dân đoàn kết. Mà đoàn kết thì nhất định thắng lợi".
Chỉ một bài viết ngắn như vậy chúng ta vẫn tiếp thu được tư tưởng lớn của Bác về đoàn kết toàn dân, về động viên tài lực của dân... Và cũng ở đây có một nét phong cách làm việc của Bác để ta suy nghĩ và học tập, đó là:
- Việc gì Bác biết chính xác, Bác mới viết:
- Việc gì Bác biết gián tiếp, Bác viết "theo báo cáo".
- Việc gì Bác không biết rõ, Bác "xin đồng bào và cán bộ cho biết". Bác "xin đồng bào" trước, "xin cán bộ" sau, vì Bác ngại "cán bộ" vì một lý do nào đó báo cáo chưa đúng, còn đồng bào, nhân dân chắc chắn là sẽ thưa với Bác chính xác nhất mọi điều.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)