Có một số người ở ngôi cao, chức cả, sống trong sự trọng vọng của mọi người, thường xuyên được hưởng sự ưu đãi đặc biệt, lâu dần cũng quen đi mà không hề biết rằng mình đã nhiễm phải thói đặc quyền, đặc lợi.
Suốt đời tâm niệm là người công bộc của nhân dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều nhân sĩ, trí thức cao tuổi theo Bác lên Việt Bắc, đi kháng chiến, đèo cao, suối sâu, đường bùn lầy, nhiều vị phải nằm cáng. Anh em phục vụ lo Bác mệt cũng đề nghị Bác lên cáng. Bác gạt đi:
- Bác còn khỏe, còn đi được, các chú có nhiệm vụ đưa Bác đi như thế này là tốt rồi.
Năm 1950, Bác Hồ đi Chiến dịch Biên giới. Chuyến đi dài ngày, gian khổ. Anh em cảnh vệ kiếm được con ngựa, mời Bác lên. Bác cười:
- Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?
Anh em khẩn khoản:
- Chúng cháu còn trẻ, Bác đã cao tuổi, đường xa, việc nhiều...
Không nỡ từ chối, Bác trả lời:
- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba lô, gạo nước, và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân trong xã. Trời gần trưa, tuy đã sang đông mà nắng còn gay gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng trưa, ai cũng băn khoăn. Đồng chí chủ tịch huyện cho tìm mượn chiếc ô, định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi, Bác có phải là vua đâu?
Một lần, trong bữa ăn, đồng chí phục vụ dọn lên cho Bác một đĩa cá Anh Vũ, loại cá sông quí hiếm, thường chỉ có ở khúc sông Bạch Hạc - Việt Trì. Nhìn đĩa cá biết ngay là của hiếm, Bác khen và bảo:
- Cá ngon quá, thế mà chú Tô (tức đồng chí Phạm Văn Đồng) lại đi vắng. Thôi, các chú để đến chiều đồng chí Tô về cùng thường thức.
Miếng ngon không bao giờ Bác chịu ăn một mình. Chia sẻ ngọt bùi là thế, tưởng chuyện cũng sẽ qua đi. Nhưng đến bữa sau, trong mâm cơm lại có món cá hôm trước. Nhìn đĩa cá, Bác hiểu ngay và tỏ ra không bằng lòng.
- Bác có phải là vua đâu mà phải cung với tiến!
Rồi Người kiên quyết bắt mang đi không ăn nữa. Như Bác từng nói, ở đời ai chẳng thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng nếu miếng ngon đó lại đánh đổi bằng sự mệt nhọc, phiền hà của người khác thì Bác đâu có chấp nhận. Những anh em công tác trong Phủ Chủ tịch hàng ngày vẫn thường đi lại bằng xe đạp, thỉnh thoảng có gặp Bác đi bộ. Nhìn thấy Bác, mọi người đều xuống dắt xe, chờ Bác đi rồi mới lên xe đi tiếp. Thấy vậy, Bác thường khoát tay ra hiệu bảo anh em cứ đi tiếp, không cần xuống xe. Nhưng ai có thể cho phép mình ngồi trên xe khi Bác đi bộ. Một lần, Bác gọi đồng chí vừa xuống dắt xe lại gần và bảo:
- Các chú có công việc của mình nên cứ tiếp tục đạp xe mà đi. Bác đâu phải là cái đền có biển "hạ mã" ở trước để ai đi qua cũng phải xuống xe, xuống ngựa?
Lão Tử có nói: "Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì không sống cho mình nên mới được trường sinh. Thánh nhân đặt thân mình ở sau mà lại lên trước, đặt thân mình ở ngoài mà lại còn". Bác Hồ sống quên mình, không nghĩ đến mình mà lại trở thành sống mãi - Lời Lão Tử thật sâu sắc lắm thay!
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)