Tháng 6 năm 1960 là tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều đoàn khách quốc tế: Đoàn đại biểu Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vân Nam, đoàn đại biểu hữu nghị Inđônêxia, đoàn đại biểu Chính phủ Anbani... Chương trình đón tiếp các đoàn này của Chính phủ ta có "tiết mục" văn nghệ.
Một buổi tối, Bác đến nhà hát Nhân dân (nay là Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô) dự buổi biểu diễn của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Đây là một đoàn văn công lớn, có vai trò xứng đáng trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong những năm đó.
Người đi thẳng vào phía sau sân khấu, nơi các diễn viên chiến sĩ gái, trai, đang hóa trang chuẩn bị biểu diễn.
Người vui vẻ hỏi:
- Hôm nay, diễn "tủ" gì đấy?
Nói xong, Người làm động tác múa nón, đưa hai tay lượn qua, lượn lại:
- Lại "tủ" này phải không?
Anh chị em cười đáp:
- Dạ, đúng vậy.
Người hỏi tiếp:
- Hôm nay có bao nhiêu đoàn diễn?
- Dạ chỉ có ca vũ Tổng cục Chính trị thôi ạ.
Bác hỏi gặng:
- "Ca vũ" là gì?
Một cán bộ, ra vẻ "nho học" thưa:
- Dạ, "ca" là hát, "vũ" là múa ạ.
- Thế sao không gọi là Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị?
Một thời gian sau, đọc báo, nghe đài Bác được biết là Đoàn văn công ca vũ Tổng cục Chính trị đã đổi tên là Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị.
Bác nói với các cán bộ xung quanh:
- Bác chỉ gợi ý chứ không quyết định. Dùng chữ Hán cũng tùy chữ mà theo. Chữ "độc lập" đổi ra "một mình" à? Dân ta thường nói là ca hát. Vậy gọi là ca múa cũng được.
Ngày 25 tháng 6 năm đó, khi tiếp tục chủ tọa Hội đồng Chính phủ chuẩn bị các văn bản luật để trình Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cán bộ "viết" luật phải viết sao cho dân dễ hiểu và cố dùng những từ của ta, tránh dùng nhiều từ Hán.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)