Suốt cuộc đời mình, dù đã đi bốn phương trời, qua nhiều nước, tiếp nhận và gạn lọc tinh hoa nghệ thuật của nhiều dân tộc, nhưng Bác vẫn trân trọng nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, trong đó có câu hát phường vải và hò ví dặm của quê hương Nghệ An.
Các đoàn, các đội văn nghệ ở Trung ương và các địa phương vẫn thường được Bác mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Tiếng là để Bác xem và cho ý kiến, nhưng như anh em trong cơ quan thường nói: "Chủ yếu là Bác cho chúng tôi xem thôi".
Lần về thăm Nghệ An, sau khi đội vãn nghệ tỉnh nhà biểu diễn, Bác bước lên sân khấu, giơ cao một chiếc lẵng mây, nói:
- Các cháu diễn tốt, Bác thưởng kẹo. Kẹo trong lẵng này.
Khi đoàn trình diễn vở "Cô gái sông Lam", trước giờ mở màn, Bác vào phòng hóa trang. Với anh Nghĩa quê Nghi Lộc, Bác nhại tiếng "Nghi Lộc hả, con "méo" phải không?". Anh Ngoạn trưởng đoàn trả lời Bác quê mình là Thừa Thiên, Bác nói: "Rứa là không phải Nghệ An nhà choa rồi"...
Lần khác nữa, Bác lại nhận lời mời đoàn ca múa Nghệ An vào Phủ Chủ tịch biểu diễn. Nhưng sau đó biết tin đoàn đang tiếp tục chương trình phục vụ đồng bào Hà Nội tại Văn Miếu, Bác bảo đồng chí giúp việc điện sang Bộ Văn hóa hoãn lại. Bác nói:
- Để đồng bào thưởng thức trước, Bác xem sau. Bác phục vụ dân chứ không phải dân phục vụ Bác.
(Theo Minh Huệ)
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)