Việt Nam độc lập là tờ báo do Bác Hồ sáng lập, in và phát hành tại Cao Bằng, sau đó tại khu giải phóng và các địa phương khác. Trên các trang báo Việt Nam độc lập, có rất nhiều bài viết về phụ nữ, nói lên tình cảnh khốn khổ của chị em các dân tộc dưới ách của Pháp - Nhật, tuyên truyền cổ vũ chị em vào hội Việt Minh, tham gia tự vệ, du kích, đi xung phong...
Số thứ 4 (104) ra ngày 1 tháng 9 năm 1941 đăng trong mục Vườn văn bài đầu tiên về phụ nữ như sau:
"Việt Nam phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước vì nòi hy sinh
Ngàn thu rạng tiếng Bà Trưng
Ra tay cứu quốc, cứu dân đến cùng
Bà Triêu Au thật anh hùng
Cưỡi voi đánh giặc vẫy vùng bốn phương
Mấy năm cách mệnh khẩn trương
Chị em phụ nữ thường thường tham gia
Mấy phen tranh đấu xông pha
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần
Bây giờ cơ hội đã gần
Đánh Tây, đánh Nhật cứu dân nước nhà
Chị em cả trẻ cả già
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rỗ mặt chấu Tiên con Rồng”.
Tác giả bài thơ ký tên Kim Oanh, một bút danh chắc chắn là của Bác Hồ.
Kèm theo bài văn vần này là một minh họa vẽ hai phụ nữ sóng bước cầm lá cờ có ngôi sao năm cánh và dòng chữ "Phụ nữ Cứu quốc hội".
Nhân dịp Tết, số 118 (số ra ngày 11 tháng 2 năm 1943), báo đăng bài thơ của chị X.L, phụ nữ cứu quốc làng A, gửi các chiến sĩ "vì Tổ quốc mà ăn ngô nằm núi, biết làm gì mà tỏ lòng thương ái", nên tặng "một cặp bánh chưng, hai đôi giày vải, biếu anh em Tết gọi là".
Bài "Thơ chị Xuân Đào gửi cho chồng đi lính" đăng ở số 121 (ngày 3 tháng 3 năm 1947) cũng cho phép chúng ta suy nghĩ rằng đây cũng là lời của Bác Hồ "mượn danh chị Xuân Đào". Tiếp sau đó có những bài "Vợ kẻ đi phu", "Nhớ anh tôi", "Chồng nhắn vợ", "Vợ nhắn chồng", "Văn điếu mẹ vợ"... cũng nhằm mục đích giải thích rõ việc làm của chị em phụ nữ trong hội Việt Minh và trách nhiệm giáo dục vận động chị em ở các thành phần xã hội khác.
Ngoài những bài chính, báo Việt Nam độc lập còn đưa những tin "chị X, bà Đ ủng hộ 1 con gà, 8 ống gạo nếp, 1 đôi giày vải... Phụ nữ làng C tổng B ủng hộ tám hào..." hoặc biểu dương bà cụ TR.L ở tổng B xã Y tuy gần đến 60 tuổi mà vẫn rất hăng hái, tuyên truyền cổ động cho đoàn thể. Thật là "tuổi già phơ phất mái sương, mà lòng yêu nước chẳng nhường cho ai".
Trên số 200 ra ngày 25 tháng 12 năm 1944, báo Việt Nam độc lập báo tin "Đón xem sách mới": Cán bộ phụ nữ nào chưa xem cuốn "Tứ- ny-a, một nữ anh hùng Liên Xô", cán bộ vũ trang nào chưa xem cuốn "Cuộc chiến đấu oanh liệt của một du kích người Cáp-ca-dơ" thì mau mau hỏi ban Khu một bản để chép lại mà xem.
Theo dõi từ khi Bác Hồ ra báo Le Paria (Người cùng khổ) ở Paris (Pháp) đến báo Thanh niên năm 1925-1926 (Quảng Châu), báo Thân ái năm 1928 (Xiêm) đến Việt Nam độc lập, người đọc nhận ra ngay công việc có tầm chiến lược của công tác vận động phụ nữ, một cuộc vận động mà Bác đã gọi là "một cuộc cách mạng rất to", "không có phụ nữ tham gia cách mạng, cách mạng không thể thành công". Và cũng trên các tờ báo ấy, ta thấy lối viết riêng của Bác về đề tài phụ nữ. Kêu gọi tinh thần tự hào dân tộc, noi gương Bà Trưng, Bà Triệu, tự mình giải phóng, chẳng chịu thua kém phụ nữ nước ngoài, vào hội Việt Minh, cứu nước, cứu nhà...
Những bài báo mà báo Việt Nam độc lập viết về phụ nữ (trong đó có khả năng nhiều bài do Bác viết) là một tài liệu rất quý cho phụ nữ ta, cho các nhà nghiên cứu, biên soạn lịch sử.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053).