Trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa vốn là một nghề có từ cổ xưa, một nghề truyền thống của nhiều dân tộc phương Đông. Sản phẩm lụa với tính chất mềm mỏng, bền đẹp đã làm mê lòng các "lệnh bà" phương Tây, làm cho "con đường tơ lụa" phát triển trở thành huyền thoại.
Dân ta có câu: "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân". Từ "một nong tằm ra năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ", các cô nàng mặc yếm mỡ gà, yếm đỏ, váy lụa đen nhẹ tênh tênh quện vào gót sen thì làm gì mà chẳng đẹp! Mà cũng chẳng cứ gì con gái, đàn ông mà mặc lụa thì như muốn nói ta đây giàu có, sang trọng, thanh lịch, nhàn nhã... Thường, các cụ già đều ước mong có một tấm áo lụa. (Gần đây có phong trào may áo lụa tặng Bà mẹ anh hùng).
Có lẽ vì vậy mà nhân dân ta trong kháng chiến chống Pháp nghĩ thương Bác Hồ trên Việt Bắc gió lạnh thấu xương, cắt da, cắt thịt nên gom góp tiền may áo lụa tặng Bác. Bảo tàng thông tin hiện vẫn trưng bày một chiếc áo lụa do phụ nữ Hà Đông tặng Bác, Bác đã tặng cho chiến sĩ quân bưu Lê Bá Hồi. Chiến sĩ quân bưu này chỉ khoác một lần duy nhất khi nhận được tặng phẩm. Sau đó, cất kĩ và cuối cùng trao gửi Bảo tàng, ơ đâu đó trong miền Nam, một số nhà truyền thống vẫn thấy có trưng bày "áo lụa Bác Hồ tặng phụ lão, anh hùng...". Các đồng chí cán bộ, bảo vệ, y tế sống cạnh Bác những năm kháng chiến trường kỳ gian khổ có thấy bao giờ Bác mặc quần áo lụa. "Gia tài của Bác vẻn vẹn có hai bộ nông dân, một khăn mặt "kiêm nhiệm vụ" che bộ râu giữ bí mật, đôi quần áo lót, tất dùng mấy năm, găng tay không có. Lúc hành quân tranh thủ giặt "bộ tủ" lồng vào cây sào, vừa che nắng, vừa phơi khô, đến nơi họp Đảng, Chính phủ, đoàn thể... đã có ngay quần áo sạch!
Nhìn vào quần áo của Bác mặc, anh em chiến sĩ, cán bộ, cho đến Bộ trưởng cũng ý tứ giữ mình, noi gương tiết kiệm, gương mẫu, hi sinh của Bác. Có lần, một cán bộ ngồi họp cứ chui chúi đôi chân dưới gầm bàn. Biết ý - chẳng giấu được Bác điều gì - Bác thương, Bác nói:
- Giầy chú hỏng, sắm đôi giầy mới đi họp, vừa ấm chân, vừa lịch sự, có gì mà phải ngại...
Có cán bộ đi đâu đó mặc sang trọng, nhưng khi đến Bác đều khoác lên vai những "thứ" vừa phải. Một lần, một đồng chí cán bộ đến gặp Bác lại diện một bộ quần áo lụa rất đẹp. Đồng chí này đã công tác với Bác từ những năm 1940, hoạt động cách mạng ở căn cứ địa. Cách mạng thành công, Bác giao cho đồng chí ấy ở lại Cao Bằng lo việc sản xuất vũ khí. Tinh hình cuối năm 1945, đầu năm 1946 rất khó khăn, Bác cho gọi đồng chí này về Hà Nội báo cáo.
Khi thấy "giám đốc binh công xưởng" mặc một bộ đồ lụa mỡ gà, Bác hỏi:
- Sao chú lại mặc quần áo đẹp thế?
Đồng chí này "khéo xoay xở" trả lời:
- Dạ, thưa Bác, đây là đồng bào cho.
Tưởng nói tránh đi là xong chuyện, nào ngờ Bác lại nói tiếp:
- Đồng bào có cho cũng không nên mặc (Bác thừa hiểu là đồng bào Cao Bằng làm gì có nhiều quần áo lụa tặng cán bộ). Ta mới giành được chính quyền, đồng bào còn thiếu thốn, khổ sở. Cán bộ Việt Minh mà ăn mặc đẹp là không nên.
Anh cán bộ Việt Minh xin lỗi Bác. Từ đấy về sau - suốt cả thòi kì chống Pháp không ai thấy ông giám đốc diện quần áo lụa nữa!
Thế đấy! Không phải Bác không muốn chúng ta mặc ấm, mặc đẹp, ăn đủ, ăn ngon, Bác khuyên chúng ta đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu, ai giàu rồi giúp người chưa giàu, giàu rồi giàu nữa. Nhưng Bác mong muốn có một sự công bằng, bình đẳng nào đó, một sự yêu thương, thông cảm, đùm bọc, một đạo lý "nhân nghĩa" làm người đừng để giàu nghèo cách xa quá. Khi dân còn rét, cán bộ không nên sắm mặc nhiều áo quá. Lo cho dân trước, nghĩ về mình sau. Đó là đạo đức của người cán bộ, người cộng sản Việt Nam, đảng viên của Đảng mà Bác Hồ đã thành lập, rèn luyện.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)