Trong hai năm 1967, 1968, bộ đội thông tin có phong trào "chiến sĩ vẽ chiến sĩ, chiến sĩ thông tin vẽ, vẽ chiến sĩ thông tin". Các "họa sĩ" mặc áo lính đã đi vào chiến trường Quảng Bình - Vĩnh Linh, các đơn vị thông tin, hải quân, không quân ghi chép, dựng tranh.
Tháng 10 năm 1968, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lần đầu tiên phòng tranh chiến sĩ tại Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh đã đến thăm.
Phong trào vẽ trong bộ đội từ bộ đội thông tin được nhân lên nhanh chóng. Vào dịp kỷ niệm 24 năm ngày thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, 22 tháng 12 năm 1958, Tổng cục Chính trị tổ chức một triển lãm tranh bộ độ tại câu lạc bộ Thống Nhất, Hà Nội. Báo chí đã đưa tin, bài về phòng tranh này.
Chiều ngày 25 tháng 12 năm ấy, Bác đến thăm phòng tranh bộ đội.
Ngày 26, Việt Nam Thông tấn xã đưa tin như sau:
"Ngày 25 tháng 12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xem phòng tranh bộ đội nhân dịp kỷ niệm 19, 20, 22 tháng 12. Người đã xem 300 bức tranh chọn lọc từ 1.500 bức mà các chiến trường, các đơn vị gửi về. Sau đó, Người nói chuyện với những người có mặt ở phòng tranh, khen ngợi bộ đội đã cố gắng đẩy mạnh hoạt động văn hóa trong điều kiện chiến tranh gian khổ quyết liệt như vậy là rất tốt và chỉ ra rằng cần làm cho nhiều người tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hơn nữa, có nhiều tranh vẽ tốt, bài hát, bài thơ hay, góp phần động viên bộ đội và nhân dân anh dũng chiến đấu, tích cực công tác, đánh thắng giặc Mỹ. Như vậy, bộ đội ta là đội quân chiến đấu giỏi, công tác tích cực, có văn hóa và đời sống tinh thần lành mạnh vui tươi".
Bản tin không nói rõ những ai "có mặt trong phòng tranh". Thực ra, ngoài cán bộ của Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn, điện ảnh quân đội còn có hai nữ chiến sĩ thông tin Dương Thị Mỹ Bình và Nguyễn Thị Sang, cũng là hai chiến sĩ vẽ, tác giả có tranh trưng bày trong phòng triển lãm.
Khi Bác bước vào phòng, Bình và Sang theo Bác ngay. Sang và Bình giới thiệu với Bác tranh của chiến sĩ hải quân, thông tin, pháo binh, tranh của mình...
Bác xem xong, Ban tổ chức mời Bác nghỉ uống nước. Bác ngồi xuống ghế hỏi:
- Hai cháu gái này ở đơn vị nào?
- Thưa Bác, chúng cháu ở quân bưu ạ.
- Thế thì hát cho Bác nghe một bài.
Dương Thị Mỹ Bình hát bài "Quân bưu lên đường" theo một làn điệu dân ca Bắc Ninh, quê hương quan họ của cô.
Bác khen hay, ngắt một bông cúc trong lọ hoa trên bàn tặng Bình.
Suốt cả thời gian đó, mấy cán bộ quay phim của Cục Tuyên huấn cứ loay hoay mãi không ghi được cảnh nào.
Sau này, một chủ nhiệm phim quân đội hối hận:
- Hôm ấy, ma xui quỷ bắt thế nào mà bọn này chỉ mang có một máy. Đến nơi, bấm không chạy. Chữa chạy mãi, khi máy tốt thì Bác đã ra về.
Vì thế mà ngày nay chúng ta không được hạnh phúc xem đoạn phim ghi hôm Bác đến thăm phòng tranh bộ đội năm 1968, gần năm trước khi Người đi xa. Nhưng cũng còn may mắn làm sao, một cán bộ nhiếp ảnh đã ghi được mấy bức ảnh Bác đứng xem tranh của chị Nguyễn Thị Sang, Dương Thị Mỹ Bình. Những tấm ảnh này hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bộ đội thông tin.