Sau khi thi đỗ phổ thông trung học, một anh bạn cùng làng bảo tôi:
- Học mà làm gì! Cậu thông minh, sáng kiến, nhanh nhẹn lại có ông bà "bô" cỡ bự, nhảy ra mà tự lập công danh thôi. Có tiền mua tiên cũng được...
Bùi tai, tôi rẽ ngang "chạy" một chức tổ phó. Rồi tiền vào, danh giá nên chả mấy năm, tôi đã như cái diều rít gió trên trời. Nhậu nhẹt lai rai với anh bạn cũ, tôi cám ơn anh đã chỉ giúp con đường đi. Hứng chí anh còn nói:
- Tướng cậu, tai to thế này, còn lên cao nữa...
Một hôm ông bác tôi công tác ở một viện, đến nhà vợ chồng tôi, hỏi thăm việc học hành.
- Thưa bác, cháu đỗ lớp 12, vợ cháu lớp 7...
Bác sửng sốt:
- Cái gì? Cái gì?
Nghe tôi phân trần, chẳng nể nang gì thằng cháu cũng là trưởng phòng, sắp lên phó giám đốc, ông chửi tôi một cách rất "văn hóa", tàn tệ:
- Mày có biết câu "nhân bất thông cổ kim, ngưu mã nhi cấm cử" mà ông bà, cha mẹ cái nhà này đều học không?
- Dạ, cháu không?
- Câu ấy nghĩa là "người không biết việc xưa, chẳng giỏi việc nay, là... là ngựa mặc quần áo xiếc". Cái bằng "lùi sĩ" còn chẳng ăn ai, huống chi cái lớp 12, vất ra ngoài bụi tre kia.
- Bác cực đoan quá. Cháu không bằng lòng...
- Vâng! Anh chỉ ưa ngọt thôi. "Thương cho roi, cho vọt. Ghét cho ngọt, cho bùi". Nó nịnh anh là nó thương anh chắc?
Ông bác bỏ ra về.
Năm sau, cơ quan tôi tổ chức thi công nhân, viên chức. Tốt nghiệp lớp 10, 12 cao nhất, đụng trần là trưởng phòng. Muốn làm hơn nữa phải có bằng cử nhân.
Thế là tôi "chết". Tôi đâm bổ vào các trung tâm "hỏa tốc", "cấp tốc" nhưng mất tiền mà chữ nghĩa chẳng vào cho.
Năm ngoái, có một anh chàng tốt nghiệp đại học, giỏi ngoại ngữ được bổ nhiệm về làm phó phòng cho tôi. Thế là đã rõ... Tôi tự giác xin nghỉ không lương mấy năm để đi học, để làm lại cuộc đời.
Muộn cũng còn hơn không. "Một bụng chữ là một hũ vàng mà". Bác tôi bảo: "Cụ Hồ dạy đấy".
Và tôi, lần này lại đến thăm ông bác đã "cho roi cho vọt".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)