Năm 1950, Bác Hồ lên đường ra chiến dịch. Là Chủ tịch nước, tuy tuổi đã 60, nhưng Bác không muốn chỉ ở hậu phương chăm lo công việc. Bác thương chiến sĩ, thương dân công, muốn giúp đỡ bộ đội, cán bộ, để giành thắng lợi chắc chắn cho "chiến dịch quan trọng này" nên Bác ra mặt trận. Tự coi mình là một chiến sĩ, Bác từ chối không đi ngựa, Bác tự mang vác lấy đồ dùng, tài liệu, tìm lá ngụy trang, đào hố... coi đó là quyền được lao động của mình.
Dân công ra tiền tuyến, vai người nào cũng khiêng đạn nặng trĩu, gánh lương thực oằn đòn gánh, còn quấn quanh mình một ruột tượng gạo to.
Bộ đội thì vai vác súng, quàng thêm bao gạo, lưng còn đeo nào lựu đạn, nào túi đạn.
Một buổi sáng, đoàn "phụ tử binh" của Bác gặp một người. Anh ta đeo một xà cột nhỏ, bên sườn là một khẩu súng ngắn. Sau lưng là một chiếc ba lô, vừa nhỏ vừa xinh, vừa lép kẹp. Một mảnh vải dù phấp phới trên vai, tay vung vẩy một chiếc gậy nhỏ. Không thấy quấn bao gạo. Anh ta bước nhẹ tênh.
Bác dừng lại, nhìn theo người đó, vẻ mặt không vui. Hồi lâu, Bác nói:
- Cán bộ đấy!
Đồng chí đội trưởng cảnh vệ nhìn Bác vừa thương Bác, vừa xót xa cho cái ông cán bộ, không biết làm gương. Không làm được điều mà đến như Chủ tịch nước đang làm khi đã là một người lính ra mặt trận!
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)