Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Căn buồng người thợ điện"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Căn buồng người thợ điện"

Cập nhật ngày 15/08/2023
Nội dung

           Cuối năm 1954, từ Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ ở tại nhà thương Đồn Thủy - nay là Viện Quân y 108, Hà Nội. Ngày 19 tháng 12 năm đó, Bác mới đến ở khu nhà nhỏ trong Phủ Chủ tịch.
           Trước đó vài ngày, Bác đã đến Phủ Chủ tịch. Lướt qua các nhà cao, Bác đi thẳng đến khu nhà thấp, tối nhất, chỉ vào căn buồng nhỏ và nói:
             - Bác ở đây.
           Đây là căn buồng của người thợ điện, rộng chừng 12 mét vuông, bên cạnh có ba buồng nhỏ. Hôm Bác đến dọn nhà, căn phòng của người thợ điện ấy còn đặt một bộ phận máy nổ, sàn đầy vết dầu mỡ. Anh em khuân máy đi, quét tước dọn dẹp, vừa làm vừa băn khoăn.
           Bác chỉ ở trong bốn phòng. Phòng của Bác kê cái gì cũng một - một giường, một bàn, một ghế, một tủ nhỏ đựng quần áo. Đến bữa, Bác sang buồng bên dùng cơm. Phòng làm việc của Chủ tịch nước nguyên là của người thợ điện. Bác ở đấy không đủ ánh sáng. Mùa đông tám giờ sáng còn phải để đèn, chiều ba giờ đã phải bật đèn. Cái phòng này, người thợ điện cũng chỉ nghỉ và ngủ, chứ không ở. Mùa hè về, nắng chiếu xuống sân xi măng mặt đường hắt lại vào phòng của Bác, nên rất nóng. Các đồng chí cán bộ cấp trung, cấp cao được "phân phối" những ngôi nhà, hoặc mượn biệt thự, vào làm việc với Bác, Bác không cho đến phòng này nhiều. Anh em thương Bác quá, đã nhiều lần "xin" Bác chuyển đến một nơi khác, nhưng Bác không nghe.
          Như muốn để trả lời anh em, buổi tối mùa hè Bác thường cùng anh em đến thăm những khu phố cổ Hà Nội, những ngôi nhà như cái hộp trên những con đường hẹp, bàn cờ của Thủ đô. Bác chỉ vào số đông đồng bào đem chõng, rải chiếu ra nằm trên hè, rồi nói:
          - Đồng bào còn cực khổ như thế này, Bác "được" ở trong buồng người thợ điện ấy cũng phong lưu lắm. So với ngày ở lán trên rừng, ở hang, ở nhà sàn, so với đồng bào, Bác cũng đã sướng hơn rồi... Thôi Bác cứ ở đấy không đi đâu hết.
          Bác "ở đấy" 4 năm, cho đến ngày 17 tháng 5 năm 1958, nhân dịp Bác đi thăm một số nước bạn, anh em ở nhà bàn nhau "làm trộm" (tất nhiên được sự đồng ý của cấp trên, nhưng không để Bác biết, làm kiểu "việc xong rồi") một cái nhà sàn (như ta thấy hiện nay). Được các đồng_ chí Trung ương báo cáo lại, một thời gian sau Bác cũng đồng ý chuyển ra nhà sàn.
         Năm 1967, giặc Mỹ đưa máy bay ném bom ác liệt ở miền Bắc, có lần anh em đề nghị Bác đến ở nhà khách to (nhà của toàn quyền Pháp trước đây), bây giờ là nhà tiếp khách của Chính phủ, Bác không đồng ý. Năn nỉ mãi, Bác nói:
         - Bác không ở vì ở đấy có mùi hôi thế nào ấy.
         Anh em tưởng thật định rủ nhau làm tổng vệ sinh tầng trên, tầng dưới, tầng hầm thật sạch sẽ để "xin" Bác ra.
         Bác lại nói:
         - Bác nói hôi là hôi mùi toàn quyền Pháp ngày xưa thôi...
        Và Bác vẫn cứ ở nhà sàn, trừ những lần tiếp khách. Một lần, đi cùng đoàn đại biểu nước ngoài, Bác chỉ vào ngôi nhà tiếp khách của Chính phủ nói: "Tôi có ý định khi đánh giặc xong, nếu chưa xây kịp cung thiếu nhi thì tạm dùng cái nhà to này dành cho các cháu"...

(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.