Cất công đi tìm quá trình xuất hiện, phát triển của danh từ - động từ "móc ngoặc" cũng không phải là chuyện dễ dàng. Ngày, tháng khai sinh ra nó thì khó sưu tầm, nhưng có thể xác định năm, những năm 60 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi ra đời là "Thủ đô Hà Nội".
Còn định nghĩa? "Từ điển tiếng Việt" dẫn ra nhiều từ "móc": Đồ dùng có mỏ quặp, cây cùng họ với dừa, lấy từ bên trong ra. Còn lại, ta có thể có một định nghĩa tạm thời: "Móc ngoặc" là thông đồng với nhau lấy (một vật gì đó) từ bên trong (nhà, Nhà nước, cơ quan...) ra ngoài. Ví dụ ông giám đốc móc ngoặc với tư thương đem hàng hóa, sắt, xi măng của công bán rẻ, hạ chất lượng, giấy hóa đơn ghi giá rẻ, tiền bỏ túi giá cao. Ví dụ nữa: Ngài thủ trưởng móc ngoặc lấy đất của đơn vị, của cơ quan chia khéo cho ai đó hàng trăm mét vuông để được nhập lại vài chục "cây", "que", "tờ xanh, tờ đỏ". Lại ví dụ: Anh móc ngoặc với chị, anh cho em tôi lên lương, lên cấp tôi sẽ cho cháu vào nhận việc, đỗ bằng nọ, bằng kia. Còn vô số ví dụ... Kết quả là móc ngoặc đều là tham ô. Đối tượng móc ngoặc là của cải của Nhà nước, tức là mồ hôi xương máu của nhân dân. Kết quả của móc ngoặc là "nước" càng ngày càng mất của, "nhà" (riêng của bọn tham ô) mỗi năm mỗi lên tầng. Móc ngoặc bí mật lắm chăng. Không hẳn là như vậy. Có thể anh biết, tôi biết, cơ quan hình sự biết, tòa án biết... Cái động từ "biết" này không có bổ túc ngữ hành động.
Danh từ móc ngoặc, tràn lan, phổ biến, lên cao, tỏa rộng.
Chuyện kể rằng:
"Có một lần, một ông thợ cắt tóc được mời vào giúp Bác. Bác hỏi ông thợ cắt tóc đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, nào tem phiếu, nào xếp hàng mua bia. Rồi Bác hỏi:
- Này chú, Bác nghe người ta hay nói "móc ngoặc". Vậy móc ngoặc là thế nào? Chú biết kể cho Bác nghe với.
Ông thợ cắt tóc, có thể biết, biết không hết nhưng ngại, không muốn, không nên trả lời, nên nói một câu rất "trung lập":
- Cháu cũng nghe họ nói thế thôi ạ...
Nhưng mà khi hỏi, Bác đã có sẵn câu trả lời. Bác nói:
- Thế này chú ạ. Hồi kháng chiến chống Pháp, kể cả khi còn ở trên chiến khu Cao - Bắc - Lạng cũng đã có tham ô, móc ngoặc rồi đấy. Nhưng hồi ấy ít hơn bây giờ. Một trong lý do là lúc bấy giờ người ta còn nghèo, ít tiền, ít của hơn. Bây giờ ta có nhiều hơn, lại có bạn giúp đỡ. Vì thế mà sinh ra tham ô, móc ngoặc nhiều hơn. Cho nên từ nay về sau, càng khá lên, càng nhiều lên càng phải chú ý chống tham ô móc ngoặc".
Đâu phải Chủ tịch nước nói riêng với ông thợ cắt tóc. Đâu phải Bác chỉ nói trong những tháng ấy, năm ấy!
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053).