Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chiến sĩ dân quân Trung Quốc tận tụy với Bác Hồ"

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Chiến sĩ dân quân Trung Quốc tận tụy với Bác Hồ"

Cập nhật ngày 23/02/2023
Nội dung

           Pác Bó thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam, nơi ở đường biên giới có dựng mốc 108. Gần đấy là thôn Mạnh Ma, thuộc huyện Tĩnh Tây, khu tự trị Choang, Quảng Tây.
          Từ những năm 1930, một số chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Lê Quảng Ba, Trần Hùng Sơn đã đi lại, hoạt động tại vùng này. Các đồng chí Việt Nam đã bắt liên lạc được với một đội du kích Lao Nông Liên khu Vân Nam - Quý Châu - Quảng Tây như Hà thượng Cương, Sổm Nhật Tân, mở ra nhiều tuyến giao thông qua lại giữa hai bên, lập các trạm liên lạc bí mật tại các xã Cát Thốn, An Đức, Long Lâm, Khôi Hưng, Cà Dương, Ba Mông. Tại xóm Long Lâm, xã Long Lâm có nhà ông Từ Vĩ Tam là nơi tạm trú của các cán bộ cách mạng Việt Nam.
           Lần Cụ Ké (Hồ Chí Minh) sang Ba Mông để gặp các gia đình ở đây kết nghĩa anh em, Trương Đình Duy ở xóm Long Lâm nhiều tuổi nhất được tôn làm anh Cả. Hồ Chí Minh kém mấy tháng được là anh Hai, Lâm Bích Phong ở phố Vinh Lao là anh Ba, Trần Hồng Sơn kém tuổi nhất xếp thứ mười.
          Ngày 25 tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh có chuyên công tác, vượt biên giới đến nhà Từ Vĩ Tam ở Ba Mông. Hôm ấy đã là ngày 13 tháng 7 âm lịch. Bác Hồ nán lại ăn Tết Trung Nguyên với gia đình Từ Vĩ Tam. Hôm sau Bác xin phép ra đi. Gia đình Từ Vĩ Tam cử anh trai Dương Thuần Cương là Dương Đào, một thanh niên nông dân, người dân tộc Choang, chưa đầy hai mươi tuổi, dân quân của cơ sở cách mạng, làm nhiệm vụ dẫn đường.
          Mờ sáng ngày 27 tháng 8, đồng chí Lê Quảng Ba ở lại nhà Từ Vĩ Tam, Hồ Chí Minh cùng Dương Đào ra đi. Đến xã Túc Vinh thuộc huyện Thiên Bảo thì bị quân lính Quốc dân đảng bắt giữ, mặc dầu Hồ Chí Minh có giấy giới thiệu của Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm lược và chứng minh thư của Hội tân văn ký giả Trung Quốc, quân Quốc dân đảng vẫn bắt trói cả Hồ Chí Minh và Dương Đào giải về huyện Đức Bảo, rồi lại dong về Tĩnh Tây. Ngày 29 tháng 8, trên đường đến Tĩnh Tây, Dương Đào gặp chị của Từ Vĩ Tam đi chợ Đô An, báo qua tình hình. Chị của Từ Vĩ Tam bỏ không đi chợ nữa, quay về báo cho Từ Vĩ Tam biết. Lúc này Lê Quảng Ba vẫn còn ở Ba Mông. Mọi người bàn nhau kẻ thì về Việt Nam báo tin, người thì nghe ngóng tình hình tìm cách cứu Hồ Chí Minh. Hôm sau Vương Tích Cơ đến huyện lỵ Tĩnh Tây, nhờ một người quen tìm được đến nơi Hồ Chí Minh và Dương Đào bị giam, may mắn gặp được quân canh vốn là bạn cũ nên đã đóng vai người mang cơm vào cho Dương Đào và Hồ Chí Minh. Vương Tích Cơ báo để Hồ Chí Minh yên tâm là Lê Quảng Ba đã biết tin, đang lo tìm mọi cách. Hồ Chí Minh bèn viết một bức thư nhờ Vương Tích Cơ mang về cho Lê Quảng Ba. Trong thời gian Hồ Chí Minh bị tạm giam ở Tĩnh Tây 25 ngày (từ 29 tháng 8 đến 24 tháng 9), ngày nào Vương Tích Cơ cũng mang cơm vào nhà giam để Hồ Chí Minh dùng bữa và giúp đỡ Hồ Chí Minh trong các việc sinh hoạt hàng ngày. Chiếc liễn đưa cơm mà Vương Tích Cơ dùng nay đang được trình bày tại Bảo tàng quân sự Bắc Kinh. Tiếp sau đó Hồ Chí Minh bị giải đi Liễu Châu, Quế Lâm... trải qua 18 nhà tù của 13 huyện... Tháng 4 năm 1943, tại Liễu Châu, anh thanh niên Dương Đào vì quá lao lực, không chịu nổi cảnh đói rét, tù đày nên đã bị bệnh lao rồi mất. Hồ Chí Minh rất thương tiếc người chiến sĩ quốc tế mà Người coi như ruột thịt này. Người đã làm một bài thơ nhan đề "Dương Đào bệnh trọng" như sau:
                         "Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao
                         Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào?
                         Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết
                         Nay lại thương anh, mắc bệnh lao"
            Tổng Khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thắng lợi, tiếp đến kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp mời gia đình các bạn kết nghĩa ở Ba Mông đến Việt Nam được. Mãi cho tói tháng 8 năm 1963, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Trương Kỳ Siêu, Lâm Đại Phàm và Dương Thuần Cương là em trai Dương Đào, tất cả tám người sang thăm Hà Nội, dự kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam.
            Trong tiệc chiêu đãi của Chính phủ nhân ngày 2 tháng 9 năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm hỏi, cám ơn các đại biểu Tĩnh Tây, tìm hiểu tình hình gia đình Dương Đào và các anh em kết nghĩa khác. Khi biết tin Từ ứng Tiêu là con trai Từ Vĩ Tam, người đã tiến cử Dương Đào hộ tống mình năm xưa, kết duyên cùng cô Đàm Ngọc Tước cũng ở xóm Ba Mông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ đồng chí Phan Tài, cán bộ lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây tặng hai anh chị Tiêu - Tước bức trướng nhỏ thêu chữ "Vĩnh viễn bất phân ly" (Mãi mãi không xa nhau).
           Sinh thời, mỗi năm cứ đến Tết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư chúc mừng và quà Việt Nam đến gia đình Dương Đào và các bạn bè ở Ba Mông.

(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.