Đồng chí An Quân kể lại:
"Vào khoảng ngày 23, 24 tháng 8 năm 1945, tôi được lệnh đón đoàn cán bộ cấp trên về địa phương. Thôn tôi ở bên bờ sông Hồng. Cờ đỏ sao vàng bay trên thôn xóm hai bên sông. Dưới sông, thuyền xuôi ngược, cờ bay trên đỉnh cột buồm, tạo nên không khí quật khởi lạ thường.
Chiếc thuyền đưa đoàn cán bộ tới. Chúng tôi nhận ra trong đó có Cụ Hồ. Trông Cụ gầy yếu xanh xao, tay cầm chiếc gậy song nhỏ, vai đeo túi dết màu chàm. Sau vài phút chào hỏi, chúng tôi mời Cụ và đoàn cán bộ về trụ sở tự vệ thôn. Tới cổng thôn, Ông cụ dừng lại xem các khẩu hiệu cách mạng kẻ trên tường. Chợt nhìn thấy hàng dãy cờ căng trước cổng thôn, Cụ hỏi:
- Sao các chú làm cờ của ta nhỏ hơn cờ các nước đồng minh?
Một đồng chí thưa:
- Dạ, giấy đỏ và vàng nhân dân mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ. Vì muốn cho đủ nên chúng cháu phải cắt nhỏ đi một chút ạ.
Cụ khẽ lắc đầu và bảo:
- Không nên. Các chú phải hiểu là cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và đã ngang hàng với các nước, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ các nước. Có thế mới tỏ rõ chí tự cương, tự trọng của mình.
Sau đó, một đồng chí chúng tôi đã trèo lên lấy cờ xuống để sửa lại".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)