Trong khi gia đình đang sống túng thiếu tại Huế thì ông sắc (thân phụ Bác Hồ) được lệnh nhà vua ra Thanh Hóa chấm thi hương năm Canh Tý.
Ông Sắc đi mang theo cậu Khiêm, con cả, để bớt gánh nặng cho hai mẹ con cậu Cung (tên Bác Hồ khi còn nhỏ).
Bố đi vắng, mẹ con không còn nhận được lương nữa nên cậu Cung càng phải giúp đỡ mẹ nhiều hơn để mẹ dệt vải kiếm thêm tiền. Ngày ngày, cậu cầm cái "vịm" (bát to) tìm đến chỗ bán thức ăn cho lính, mua cháo về để cùng ăn với mẹ. Năm ấy, vì sinh con, vốn đã ốm yếu, nay lại đói ăn, thiếu thuốc nên gần đến Tết thì bà Loan (mẹ Bác Hồ) qua đời. Không còn ai chăm sóc nữa, cậu Cung ngày hai buổi bồng em đi bú chực (do đó mà em có tên là Xin).
Những năm hai mươi thế kỷ XX ở Pháp, Bác thường lui tới nhà các đồng chí cộng sản, đôi lúc được mời lưu lại dự bữa ăn tối.
Một lần, khi ngồi vào bàn ăn với mẹ nữ đồng chí G. Vécmét (vợ đồng chí M. Tôrê), sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, Bác Hồ đã nhặt những mẩu vụn bánh mì rơi trên bàn, để cẩn thận vào một tờ giấy dành cho chim.
Đồng chí G. Véc-mét kể lại:
- Sau khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc ra về, mẹ tôi, bây giờ đã 92 tuổi nhận xét: "Con ạ, phải là một người biết thế nào là đói khổ mới biết quý từng vụn bánh".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)