Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp rằng: "ơ nước chúng tôi, có câu "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" nghĩa là, điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác". Trong Nho giáo câu này có một vế thứ hai "Điều gì mình muốn làm cho mình thì làm cho người khác". Mình muốn giàu sang, nhà cao, cửa rộng... cũng nên nghĩ đến những người đồng chí, đồng bào còn quá nghèo khổ.
Sách "Bảo kính cảnh giới" (gương soi để răn), có câu "của cho là của còn". Đối trọng với câu này là "của cướp là của mất".
Đảng viên, Anh hùng Lao động, giáo sư, bác sỹ Trần Hữu Tước, người đã từ bỏ vinh hoa phú quý ở Thủ đô Paris (Pháp) hoa lệ để đi theo Bác Hồ về nước, về với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, dặn cô con gái lớn "hạnh phúc là ở chỗ nhường và cho".
Trong thư gửi ông Vũ Trọng Khánh, Giám đốc tư pháp Liên khu Mười tháng 5 năm 1948, ký tên Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ, Bác viết: "Ai chẳng muốn cơm no áo ấm. Nhưng sinh hoạt vật chất hết đời người đó là hết. Còn tiếng tăm xấu hay tốt, sẽ truyền đến ngàn đời về sau"
Dân tộc ta đã có câu răn, lời nguyền:
"Trăm năm bia đá còn mòn Ngàn năm
bia miệng vẫn còn trơ trơ"
Đảng ta nhiều lần đã nghiêm khắc lên án những người chỉ biết vơ vét, lại còn để vợ con tham nhũng. Những người ấy miệng nói "liêm, chính","không quan tâm (!) nhiều đến vật chất" nhưng tội lỗi đã mang, nhân cách đã mất, chẳng cần chờ đến khi chết mà tiếng xấu hiện nay đã dành cho rồi.
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)