Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp - Điện thoại: 0277.3871588
Cỡ chữ
► Tin tứcHọc tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhNhững mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Găng nhưng không được bể..."

Những mẩu chuyện Hồ Chí Minh: "Găng nhưng không được bể..."

Cập nhật ngày 22/07/2023
Nội dung

              Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chính thức giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp ở Paris, Hội nghị trù bị Đà Lạt được tổ chức vào tháng 4 năm 1946 nhằm bàn những vấn đề mấu chốt sẽ đề cập trong cuộc gặp gỡ tương lai.
           Tuy hội nghị trù bị, nhưng vì nội dung đàm phán rất quan trọng ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia, dân tộc, cho nên Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm lo lắng.
            Người đã trực tiếp xem xét tỉ mỉ vấn đề sẽ đưa ra bàn bạc, đồng thời dặn luật sư Nguyễn Mạnh Tường nghiên cứu đề án hội nghị trước hai tháng và đệ trình dự kiến từng giải pháp trước Chính phủ.
          Phái đoàn đi dự hội nghị Đà Lạt do ông Võ Nguyên Giáp dẫn đầu và luật sư Nguyễn Mạnh Tường - cố vấn pháp luật, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên - cố vấn văn hóa, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, ông Nguyễn Tường Tam (bấy giờ là Bộ trưởng Ngoại giao) và Vũ Hồng Khanh - đại diện Quốc dân đảng (nhưng đến phút cuối thì ông Khanh không tham gia...).
            Trước khi đi Đà Lạt, phái đoàn họp ở Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ trao đổi với từng thành viên trong đoàn. Người dặn: Hội nghị lần này nhiệm vụ sẽ rất nặng nề, khó khăn, thậm chí sẽ rất căng thẳng vì sự ngoan cố, thiếu thiện chí của phía Pháp. "Găng nhưng không được bể. Đoàn kết và đoàn kết, đó là quan điểm của Chính phủ ta. Chúng ta sẵn sàng nhân nhượng để có một giải pháp chung. Song, độc lập quốc gia và tự do dân tộc thì không được vi phạm".
             Đúng như Cụ Hồ dự tính, Hội nghị Việt - Pháp (Đà Lạt) diễn ra rất căng thẳng (nhất là trong các ngày 22, 23 tháng 4 và ngày 2 tháng 5 năm 1946) nhưng do được chuẩn bị trước về tinh thần, phái đoàn ta rất bình tĩnh, không thay đổi quan điểm trước sự khiêu khích của Pháp. Cuối cùng, tuy hội nghị không đạt được mọi thỏa thuận như mong muốn, nhưng kết quả của cuộc đàm phán phần nào tạo cơ sở cho Hội nghị Phôngtennơblô sau đó thuận lợi.
            Gần đây, khi nhắc đến Cụ Hồ và phương pháp ngoại giao "Hòa để tiến" của Cụ Hồ, học giả người Pháp Ôlivie Thônđơ đã nhận xét: "Đối với một số người, Cụ là một kẻ thù quen biết lâu năm nhưng đáng kính phục, là địch thủ được kính trọng nhất trong cuộc chiến tranh thuộc địa Pháp".
(Theo tài liệu Viện Hồ Chí Minh)
 
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)

Thư viện tỉnh Đồng Tháp
Địa chỉ: 05 Phạm Hữu Lầu, Phường 4, Tp Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3871588; Email: dongthaplibrary@thuviendongthap.com
Địa chỉ trang tin: http://www.thuviendongthap.vn hoặc http://www.thuviendongthap.com
Trang chủ | Liên hệ
 
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT, cấp ngày 08/9/2020 của Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp.