Tiếng Đức "hiểu biết" là "wissen", cũng có nghĩa là học thức, tri thức. Thêm hai chữ đầu "ge" thành "gewissen" là lương tâm. Thêm ba chữ cuối "los" thành "gewissenlos" trở thành "không có lương tâm".
Trong lịch sử, trong xã hội, bên cạnh những con người vì thiếu hiểu biết mà có những hành động thiếu lương tâm, còn có không ít kẻ hiểu biết mà vẫn vô lương tâm. Hiểu biết mà không có đức độ, không có lương tâm sẽ thành ra tai họa.
Cặp từ "hiểu biết" và "lương tâm" liên quan đến câu chuyện của giáo sư bác sĩ người Đức, Prít Henđơ (Fritz Held) chuyên gia về điều trị ung thư đã sang giúp đỡ Việt Nam vào những năm 1956-1957.
Trong một lần đến thăm bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Giáo sư đã được nghe Bác Hồ nói nhiều về tinh thần trách nhiệm, về người trí thức cách mạng. Bác dặn:
- Hiểu biết càng nhiều lại càng phải nâng cao trách nhiệm. Càng hiểu biết càng phải có lương tâm.
Bác sĩ Henđơ nói với các bạn Việt Nam:
- Tôi thường nhủ mình phải sống và làm việc theo phương châm đó, theo lời dạy của Bác Hồ. Càng hiểu biết càng có lương tâm. Không bao giờ để "wissen, gewissen thành gewissenlos!".
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)