"Lập" tiếng Hán có nhiều nghĩa. Là "đứng thẳng" như "lập nghiêm", là "đặt" như "thành lập", là "tức thì" như "lập tức"... Lập trường là cái vị trí, cái chỗ, thái độ, địa vị mình đứng thẳng, không nghiêng ngả, "sừng sững mà đứng giữa trời, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời".
Trong hai khái niệm "lập trường vững chắc" và "tư tưởng cố chấp", hai điều đó khác nhau. Xin hãy nghe Hồ Chủ tịch giải thích:
Thế nào là "lập trường vững chắc?
Tức là đứng hẳn về lập trường giai cấp công nhân. Không có chút tự tư tự lợi làm mờ tối tư tưởng và hiểu biết của mình. Lý luận phải chăng đều do công tác thực tế thử thách? Việc đúng là đúng, chứ không phải cứ tự mình cho là đúng... Người khác đúng thì mình thật thà hoan nghênh và sẵn sàng học tập. Người khác sai thì mình chịu khó lắng nghe, bền lòng giải thích".
Theo Bác, người "tưởng chỉ có ý kiến mình là đúng", ý kiến của người khác là "sai", khi bàn bạc việc gì dù sai hay đúng, cũng cứ khư khư giữ lấy ý kiến của mình, tưởng như thế là "lập trường chắc chắn", "có tính nguyên tắc"... Bác kết luận: "thế là cố chấp". Ai có tư tưởng cố chấp, chắc chắn là người chủ quan. Chỉ nghe, chỉ hiểu một chút, hoặc chỉ có chút kinh nghiệm, rồi cứ lắp nguyên văn vào tất cả mọi việc một cách máy móc, kết quả là đầu óc cứng đờ không biết biến hóa, trái ngược với thái độ của giai cấp công nhân, trái hẳn với khoa học cách mạng".
Bài viết này của Bác, ký C.B đăng trên báo Nhân dân, từ ngày 15 tháng 2 năm 1954. Ngày nay, còn không ít người chủ quan nghe, hiểu, biết một chút, biệt lập, cách ly với khoa học cách mạng, không chịu tìm hiểu thông tin, không biết đổi mới, vẫn "cứng đờ", "bảo thủ", không biết "biến hóa" mà vẫn tự đề cao mình "vững chắc lập trường... cũ"!
Thực ra, như lời Bác dạy: Thế là cố chấp. Cố chấp là không có vững "lập trường" đâu!
(Trích "Bác Hồ viên ngọc quý của mọi thời đại". Sách hiện đang sẵn sàng phục vụ tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp. Phòng đọc: KAVL17.8376, Phòng mượn: MEVV16.5052 - 5053)